Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức bên trong Khu phi quân sự (DMZ) – dải đất rộng 4 km, dài 250 km chạy dọc theo biên giới chung của hai nước. Ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp nhau tại một khu vực được gọi là Khu vực an ninh chung (JSA) ở Bàn Môn Điếm (Panmunjom) trong DMZ.

Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự liên Triều vẫn luôn là vùng đất với nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng biết.

Cây cầu nằm trên Đường Phân định Quân sự (MDL) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong khu vực Bàn Môn Điếm từng được sử dụng cho việc trao đổi tù nhân vào cuối Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Bàn Môn Điếm đóng vai trò như là cột mốc số 0 trong phần lớn thời gian của 6 thập kỷ chia cắt sau khi chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc. Đây là một khu đất nhỏ với các tòa nhà và những căn lều tạm. Bàn Môn Điếm được biết đến với tên gọi “làng đình chiến” – nơi từng tổ chức hàng trăm cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên.

Khu vực An ninh chung hay Làng Đình chiến, Bàn Môn Điếm (Panmunjom) là nơi các đại diện quân sự của Trung Quốc, Triều Tiên và Liên Hợp Quốc hoàn tất thỏa thuận đình chiến, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953.

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì hai bên không có một bản hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Bàn Môn Điếm nằm trên vĩ tuyến 38 – nơi vốn được Mỹ, Liên Xô cũ phân định làm biên giới giữa hai miền Triều Tiên.

Ban đầu ngôi làng này được gọi là “nul ban ri” hay là làng cửa ván. Sở dĩ có tên gọi này bởi cửa của những ngôi nhà và các cây cầu ở đây đều được làm từ những tấm gỗ ván. Khi ngôi làng trở thành địa điểm đàm phán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, các quan chức Trung Quốc đã gọi nơi đây bằng các ký tự truyền thống của Trung Quốc và khi phát âm những từ này bằng tiếng Hàn Quốc, chúng tương tự cách viết là Panmunjom (Bàn Môn Điếm) và cái tên này được biết đến từ đó.

Duy Khánh