Ngày 20 tháng Chạp hàng năm, khi mẹ tôi tất tả với các đơn hàng cuối cùng, cũng là lúc ông ngoại gọi điện hỏi: “Nhà con năm nay ăn mấy cái mật?”. Năm nào cũng vậy, ông ngoại sẽ gọi cho tất cả mười người con chỉ để hỏi số lượng bánh chưng mật cần gói cho các con, các cháu là bao nhiêu. Có lẽ vì vậy, loại bánh chưng này đối với tôi có một vị rất khác.

Bánh chưng mật xanh vỏ đỏ lòng của ông ngoại.

Bánh chưng mật mía của ông ngoại xanh vỏ, đỏ lòng. Phần nhân đỏ đậm từ màu của đường phên như tình yêu thương của ông ngoại với gia đình. Đường phên phải là loại đường ngon, được cạo thành những lớp đường mỏng như tờ giấy từ những tảng đường lớn, màu nâu sậm, vị ngọt đậm. Ông thường chọn mua đường từ vùng Lai Châu, bởi mía để làm thành đường ở đó rất ngon, kỹ thuật làm đường thủ công của người dân nơi đây có từ lâu đời. Chất lượng đường sẽ quyết định độ ngọt và ngon của chiếc bánh. Gói bánh chưng mật cầu kỳ hơn so với bánh chưng thường, bởi đường phên gói đến đâu mới cạo tới đó để tránh đường bị ướt, mất ngon. Một bí quyết khiến nhân bánh chưng mật thơm dậy mùi hơn đó là thêm vài hạt mứt sen, khi bánh chín, mứt sen và đường hòa quyện vào với nhau khiến vị của chiếc bánh trở nên rất đặc biệt.

Bánh chưng mật mía của ông ngoại xanh vỏ, đỏ lòng. Phần nhân đỏ đậm từ màu của đường phên như tình yêu thương của ông ngoại với gia đình. Khác với mọi nhà, tặng lì xì đầu năm thì ở nhà tôi, tục lệ này thay bằng các cháu đứng xếp hàng chờ ông ngoại xắn cho mỗi đứa cháu một góc bánh chưng mật.

Nhiều người lần đầu nghe tới bánh chưng mật sẽ tưởng đó là loại bánh chay hay có trong chùa, nhưng bánh chưng mật của ông ngoại tôi vẫn có đầy đủ gạo nếp, đỗ xanh và phần thịt lợn đặc biệt. Đó là phần thịt lợn sấn vai, nạc hơn so với thịt ba chỉ trong bánh chưng thường. Thịt lợn cũng phải thuộc hàng tuyển chọn, đó là phần thịt lợn “ăn đụng” cùng vài nhà khác trong làng. Vì vậy, miếng thịt khi đến tay vẫn còn ấm nóng, tươi rói.

Nếu đường phên là linh hồn của chiếc bánh chưng mật thì phần vỏ bánh là một chiếc áo đẹp có màu xanh mướt của sắc xuân. Trong quá trình làm nên chiếc bánh chưng mật mía đặc biệt, tôi được giao nhiệm vụ pha màu nhuộm gạo nếp cho ông ngoại. Những chiếc lá giềng tươi, giã bằng cối đá có tuổi đời còn lớn hơn cả tuổi của tôi, cho ra nước cốt có màu xanh đặc trưng. Một bát nước cốt lá giềng trộn với 2 kg gạo đã vo sạch. Cứ như thế, gần một tạ gạo nếp trắng, trong chớp mắt đã được nhuộm xanh, sẵn sàng gói bánh.

Một gia đình đang gói bánh chưng mật.

Để bánh chưng ngon, gạo hay luộc đỗ không được ngâm trước. Ông ngoại cùng các cậu sẽ chọn một ngày “đẹp” để gói và luộc bánh. Thông thường ông ngoại sẽ gói đa phần bánh mặn. Bánh ngọt chỉ gói vài cái ăn chơi, gửi cho con cháu cho phong phú món ăn ngày Tết. Bánh được gói bằng tay, không dùng khuôn, một bát gạo, một bát đỗ, vài lát thịt, một lớp dày đường phên, phủ thêm đỗ, gạo, gói chặt lá dong, lạt giang, chiếc bánh chưng đem luộc đến gần 12 tiếng sẽ được độ ngon nhất. Người ta gọi đó là “rền” bánh. Mặc dù, sau đó bánh được nén cho ráo nước và ông gửi đến từng nhà vào 28 tháng Chạp.

Mâm cơm cúng ngày Tết không thể thiếu “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Bánh chưng mật mía hấp dẫn là thế, nhưng phải chờ cho đến đúng lễ hóa vàng vào mùng 3 Tết được ông ngoại tự tay dâng lên tổ tiên. Vào ngày hôm đó, cả gia đình lớn của tôi sau một năm vất vả làm ăn, học hành từ khắp nơi sẽ quây tụ về nhà thờ Tổ cùng chúc nhau những điều tốt lành đầu năm.

Vị ngậy của bánh chưng cộng với độ ngọt của mật mía quyện vào nhau, bù trừ nhau tạo ra một sự cân bằng tuyệt vời khó cưỡng nổi. Bánh chưng ngọt, đậm đà vị mặn mà của gạo nếp, thịt lợn xóc muối, vẫn ngọt ngào, lạ miệng với vị ngọt của đường phên.

Khác với mọi nhà, tặng lì xì đầu năm thì ở nhà tôi, tục lệ này thay bằng các cháu đứng xếp hàng chờ ông ngoại xắn cho mỗi đứa cháu một góc bánh chưng mật. Ông cười hiền nói: “Ông chúc các con năm mới may mắn, ngọt ngào, vạn sự như ý”. Chính vì vậy, chiếc bánh chưng mật đối với anh em chúng tôi đặc biệt hơn bao giờ hết. Chúng tôi chỉ chờ cho đến Tết ta để được ăn bánh chưng mật mía của ông ngoại, món ăn khó có thể tìm được nơi đâu, một thời điểm nào khác trong năm và do một ai khác làm.

HOÀNG NGA