Bảo hiểm qua ngân hàng sẽ khó phục hồi trong năm 2024
Khó dự đoán thời gian bancassurance phục hồi
Ông Hàn Ngọc Vũ - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VIB cho rằng, bancassurance liên quan chặt chẽ tới ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ. Sau tình hình năm qua không mấy khả quan thì sự cẩn trọng đã cao hơn. Để hạn chế rủi ro xảy ra, VIB đã đào tạo lại các cấp và nhân viên nắm rõ hơn về hoạt động bảo hiểm ngân hàng. Sau đó, chuyển tải thành quy trình để nhân viên nắm vững pháp luật.
Cùng với đó, VIB cùng Prudential ký hợp đồng hợp tác chiến lược. Ngân hàng cho biết đã thành lập một ủy bản cam kết về những điều khoản tuân thủ quy định. Hoạt động thanh tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp không đúng chuẩn và xử lý nghiêm khắc.
Theo ông Vũ, hoạt động này rất phức tạp liên quan tới ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ, yêu cầu phải đúng pháp luật nên VIB rất quan tâm thực hiện trong bối cảnh hoạt động này ngày càng rủi ro cao hơn.
“Việc huấn luyện đào tạo cán bộ nhân viên để nắm rõ yêu cầu pháp luật được diễn ra thường xuyên, chúng tôi thực hiện thanh tra giám sát nội bộ nhằm phát hiện những trường hợp không đạt để xử lý nghiêm. VIB cũng phối hợp với Prudential để thành lập ủy ban về ứng xử khách hàng” - Ông Vũ nói.
Theo lãnh đạo VIB, ngân hàng bán bảo hiểm theo sự tự nguyện để thể hiện cam kết. Bancassurance thực tế không phải sản phẩm bán kèm hay bắt ép mua mà là quyền lợi của khách hàng. Do đó, phải truyền tải thông tin bảo hiểm là quyền lợi của người mua.
Năm 2023, thu nhập từ hoa hồng bancassurance của VIB chỉ đạt 879 tỷ đồng, giảm 32% so với mức hơn 1.300 tỷ đồng của năm 2022. Sau khi trừ hết các chi phí, lãi thuần của ngân hàng nhận được từ hoa hồng bảo hiểm còn lại hơn 776 tỷ đồng, giảm khoảng 33%.
Còn tại ACB, tuy không tiết lộ thu nhập từ mảng bảo hiểm, nhưng Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết năm 2023, doanh số bán chéo bảo hiểm đã có sự sụt giảm đáng kể so với năm trước đó. Tuy nhiên, ACB vẫn duy trì được vị thế của mình trên thị trường. Năm 2024, ngân hàng đã có kế hoạch đạt doanh thu bancassurance bằng năm 2023.
ACB cũng đưa ra các gói bảo hiểm hướng tới chất lượng và minh bạch về tư vấn, tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn và thị trường lành mạnh hơn trong năm tiếp theo.
Trước đó, ngân hàng này đã ký hợp đồng phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền cùng đối tác Sunlife vào tháng 11/2020, mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD, riêng năm 2020 là 8.400 tỷ đồng, chưa tính khoản hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm…
Tuy nhiên, trước những vụ lùm xùm về việc khách hàng tố bị ép mua bảo hiểm, bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ khiến không ít ngân hàng trong năm qua ghi nhận giảm mạnh doanh thu từ mảng này sau nhiều năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, doanh thu bảo hiểm của một số ngân hàng giảm tới 70-80%.
Cụ thể, báo cáo thu nhập từ bancassurance của SeA Bank, Techcombank, TPBank lần lượt giảm 73%, 62% và 57% trong năm 2023, trong khi đó MB giảm 19%.
Trước đó, doanh thu từ mảng bảo hiểm của MB tăng khá mạnh trong vài năm gần đây, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của nhà băng này. Từ mức 1.800 tỷ đồng năm 2017, mảng kinh doanh này đã đem về cho MB hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2022. Hiện tại, MB đang sở hữu 2 công ty con kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm là MIC với 68,37% và MB Ageas (MBAL) với 61%.
Tại SeABank, cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng cả năm. Tương tự, TPBank giảm gần 57% từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Năm 2023, TPBank thu được từ mảng này hơn 377 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 876 tỷ đồng.
Techcombank ghi nhận doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm trong năm 2023 giảm mạnh. Ngân hàng ghi nhận chỉ đạt hơn 667 tỷ đồng từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm, giảm 62% so với mức 1.750 tỷ đồng của năm 2022…
Siết chặt lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng
Những lùm xùm trong năm qua tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng, cùng với các quy định mới về việc siết chặt bancassurance càng khiến lợi nhuận từ mảng này của các nhà băng sụt giảm, dự báo tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Với quy định cấm trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7, hoạt động bảo hiểm ngân hàng sẽ ngày càng chặt chẽ hơn và củng cố lại niềm tin cho người dân.
Một số quy định đang chú ý trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm kèm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Theo nhận định của các chuyên gia MBS Research, với quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng, hoạt động bảo hiểm ngân hàng được quản lý chặt chẽ hơn, song sẽ khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ mảng này của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021 và cần một khoảng thời gian để phục hồi, nhất là với nhóm có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập lãi ngoài cao như VIB, ACB…
Nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận việc khó kỳ vọng vào mảng kinh doanh bảo hiểm sẽ hồi phục trong năm nay. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB - Ông Lưu Trung Thái dự báo các công ty tài chính tiêu dùng, bảo hiểm thuộc MB sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ngân hàng đã tìm ra vấn đề và cách giải quyết nhằm điều chỉnh cho phù hợp để thúc đẩy chiến lược tăng trưởng. Với kế hoạch lợi nhuận hơn 28.800 tỷ đồng trong năm nay, MB đặt kỳ vọng vào mảng bán lẻ, ngân hàng số, SME.
Về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2024, theo TS. Nguyễn Anh Vũ - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.HCM, lãi suất huy động sẽ còn giảm thêm và duy trì ở mức thấp. NHNN có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các nhà băng khó xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Trong khi đó, mảng kinh doanh chính của ngân hàng là tín dụng đang gặp khó khăn vì tăng trưởng chậm và nguy cơ nợ xấu gia tăng, thì nguồn thu ngoài lãi cũng ảnh hưởng đáng kể, do hoạt động bảo hiểm ngân hàng bị siết lại.
Theo ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2024, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh tra việc việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 công ty bảo hiểm nhân thọ là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng hơn, đồng thời cũng tạo ra nhiều sự phức tạp nên cần chấn chỉnh để đi đúng hướng, lành mạnh.
Bộ Tài chính đã có nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền bổ sung thêm các quy định pháp luật để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trên thị trường, gia tăng tính minh bạch thông tin và bảo vệ tối đa cho người tham gia bảo hiểm.
Trong đó, việc bổ sung những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “ép” mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư như các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích cụ thể, rõ ràng để khách hàng nhận định rõ sản phẩm bảo hiểm không phải sản phẩm của tổ chức tín dụng; Việc tham gia bảo hiểm cũng không phải điều kiện bắt buộc để sử dụng sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng, tức là không được “ép” mua bảo hiểm.
Cuối tháng 3/2024, NHNN có dự thảo dự định không cho phép các ngân hàng thương mại bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Lý do là dễ khiến khách hàng nhầm lẫn với những sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư./.
- Hàng loạt ngân hàng chính thức công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2024
- Hồi chuông cảnh báo về an ninh mạng ngân hàng từ các vụ mất tiền