Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt là việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước đã hỗ trợ cho trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp. Về lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, nhìn tổng quát, lực lượng lao động đã phục hồi nhanh. Hiện thị trường lao động đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng cao hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ 2021. Tỉ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, tỉ lệ thất nghiệp thấp. Tỉ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về các chính sách hỗ trợ người lao động như pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…. Nâng cao tay nghề, kỹ năng của người lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển KTXH của đất nước. Tập trung cho việc hoàn thiện Luật BHXH; trình Ban Chấp hành TW ban hành Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ; tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, nhất là người lao động bị mất việc làm, giảm việc làm do doanh nghiệp thực hiện thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động vì gặp khó khăn trong sản xuất – kinh doanh. Tập trung cho công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế; thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực và chuẩn bị sẵn sàng cho xu thế chuyển dịch đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mở rộng chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng; thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em và các chính sách khác có liên quan đến trẻ em. Ưu tiên thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.

T.S BÙI SỸ TUẤN
Bộ LĐTB&XH