Thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch số 321/KH-STNMT ngày 21/02/2023 triển khai Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 16/02/2023 của UBND tỉnh về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày 22/02/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 344/STNMT-CCQLĐ Đ về việc tham dự Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai, theo đó đề nghị các đơn vị đến ngày 28/02/2023 gửi góp ý về Sở để tổng hợp. Ngày 03/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Công văn số 448/STNMT-CCQLĐĐ về việc góp ý dự thảo luật đất đai (lần 2).

Một góc Thành phố Đồng Xoài, Bình Phước.
Một góc Thành phố Đồng Xoài, Bình Phước.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được góp ý của 23 đơn vị, tổ chức. Qua đó, việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với Luật đất đai (sửa đổi) đã được triển khai kịp thời, đồng bộ và đạt hiệu quả. Ngay sau khi có Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; các Sở ngành, UBND các huyện, thị, thành phố đã tổ chức lập kế hoạch triển khai thực hiện và tuyên truyền Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ và dự thảo luật đất đai bằng nhiều hình thức.

Các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân nhìn chung đã bám sát nội dung dự thảo, nhiều ý kiến góp ý đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc đến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); một số cơ quan, tổ chức đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật; các ý kiến góp ý trên tinh thần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật, trong đó, một số ý kiến góp ý, có viện dẫn nhiều quy định pháp luật có liên quan, đối chiếu so sánh với Luật Đất đai 2013 và những tiến bộ, điểm ưu việt trong hoạt động quản lý đất đai của các nước trong khu vực và trên thế giới, để vận dụng góp ý Luật đất đai (sửa đổi); một số ý kiến góp ý còn có sự đánh giá, phân tích, lập luận sắc bén, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết trong việc nghiên cứu, tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các Nghị quyết, kết luận khác có liên quan. Đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát; đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập. Có những quy định còn chung chung. Nguyên tắc áp dụng và tính khả thi của các điều luật chưa cao. Có những quy định, tiêu chí và nội dung điều khoản khó vận dụng. Nội dung dự thảo luật còn nhiều sai sót trong trình bày, đánh máy, một số nội dung diễn đạt chưa rõ nghĩa, thừa từ.