ISSN-2815-5823
Thứ hai, 16h12 27/04/2020

Bộ Công Thương kiến nghị cho phép xuất khẩu gạo bình thường từ 1/5

(KDPT) – Ngày 27/4, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ này đề nghị hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường từ ngày 1/5 tới đây do lượng gạo có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn.

Theo Bộ Công Thương, sản xuất lúa gạo năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc; riêng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 10,8 triệu tấn. Vụ hè thu sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc; trong đó, vùng ĐBSCL ước đạt 8,7 triệu tấn (đến nay đã xuống giống được 0,3 triệu ha, tập trung ở vùng không bị ảnh hưởng của hạn, mặn). Vụ thu đông tại các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn ha. Vụ mùa sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc. Vùng trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng ước đạt 4,7 triệu tấn; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 1,4 triệu tấn. Riêng vùng ĐBSCL, vụ đông xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc. Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.

Riêng vụ đông xuân, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Còn theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong quý I năm 2020 đạt 1,52 triệu tấn. Hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 năm 2020 là 400 nghìn tấn và được bổ sung 100 nghìn tấn tạm ứng trước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.

Với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng “gối đầu” từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200 nghìn tấn), sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn.

Tình hình sản xuất lúa, gạo trong nước thuận lợi tạo điều kiện dôi dư cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các nước như Nhật Bản, Singapore, Mông Cổ, Lào … đã có văn bản gửi đến Bộ Công Thương đề nghị Việt Nam sớm khôi phục hoàn toàn xuất khẩu gạo vì lương thực, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có ý nghĩa nhân đạo, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, đến cuối tháng 4, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên. Công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh về cơ bản được khống chế dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong nước, tâm lý người dân đã ổn định trở lại, không còn hiện tượng mua gom, tích trữ nhu yếu phẩm như tại thời điểm cuối tháng 3. Về nguồn cung thóc gạo, dự kiến lượng gạo hàng hóa của vụ hè thu có thể xuất khẩu là khoảng 2,3 – 2,4 triệu tấn. Cùng với đó, theo Bộ Công Thương, Việt Nam chưa khi nào xuất khẩu được 700 nghìn tấn gạo/tháng. Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700 nghìn tấn, vẫn còn tồn ít nhất là 600 nghìn tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ hè thu thu hoạch rộ. Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung – cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3 năm 2020.

Từ đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Từ ngày 01 tháng 5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường.

Dịch Covid-19 cơ bản được khống chế là một trong những lý do để khôi phục việc xuất khẩu gạo (Ảnh minh hoạ).

Bên cạnh đó, để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế. Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu, đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 01 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.

DUY KHÁNH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024