ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 01h09 15/02/2020

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 7/2020

(KDPT) – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vừa chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua. Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết, hiệp định này sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thưa Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và EVIPA với số phiếu cao. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế Việt Nam?

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, việc Hiệp định EVFTA được bỏ phiếu phê chuẩn sau 7 năm đàm phán và 8 tháng tính từ thời điểm ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

EVFTA được thông qua với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, trong khi EVIPA với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Như vậy, cả 2 hiệp định đều đã được thông qua với số phiếu áp đảo.

Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đem đến xung lực mới cho cả nền kinh tế.

Là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về thương mại, Bộ Công thương đã có sự chuẩn bị ra sao cho việc thực thi EVFTA, thưa Bộ trưởng?

Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều sự kiện để phổ biến về EVFTA, EVIPA. Chúng tôi đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Bộ cũng dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch Hành động để chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định này một cách hiệu quả nhất.

Các đầu mối trong Bộ cũng thông tin nhiều hơn về thị trường EU, ưu đãi cụ thể tới từng ngành hàng để doanh nghiệp chủ động có thông tin, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước EU.

Ngoài việc chờ Quốc hội Việt Nam thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới, chúng ta cần chờ thêm các bước nào nữa để FTA này bắt đầu có hiệu lực?

Về thủ tục nội bộ của EU, sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, còn phải được Hội đồng châu Âu phê duyệt để chính thức có hiệu lực. Còn EVIPA cần một lộ trình dài hơn, phải được phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu lẫn nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU trước khi có hiệu lực chính thức.

Bộ Công thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước và Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới. Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, thì EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay đầu tháng 7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang gặp khó vì dịch Covid-19, căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn, EVFTA khi có hiệu lực sẽ tác động tích cực thế nào đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang phải chịu những tác động bất lợi từ dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc. Chính vì vậy, EVFTA được thông qua có ý nghĩa lớn về công tác mở cửa thị trường, tạo động lực cho xuất khẩu và đón thêm các dòng đầu tư nước ngoài mới.

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu là rõ ràng, nhưng luôn có điều kiện đi kèm và áp lực cụ thể với từng ngành hàng xuất khẩu.

Tôi xin nhắc lại, hiện tại, dù EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá, còn hạn chế. Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về khả năng thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU khi Hiệp định có hiệu lực?

Thật ra, chưa thể tính được con số về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thêm nhờ EVFTA, do điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Các cam kết rộng và sâu về đầu tư sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU làm ăn tại Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm về chất lượng đầu tư. Với EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Đặc biệt, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác đầu tư mới và các lĩnh vực thu hút đầu tư được mở rộng, trong đó có những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam còn dư địa lớn và EU có thế mạnh, như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Theo Báo Đầu tư



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024