ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 21h23 03/08/2018

Các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2018-2020

(KDPT) – Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Quốc gia cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2016-2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo, Thủ tướng đã đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nêu lên những hạn chế, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới và tổ chức thực hiện trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đánh giá việc thực hiện 120 nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 27 của Chính phủ, từ đó đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung thể chế để thực hiện hiệu quả hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, Thủ tướng cho rằng, Đảng, Nhà nước đã nhận thức sớm và đề ra chủ trương về vấn đề này.

“Tôi cho rằng chương trình hành động cũng như nhiệm vụ trong Nghị quyết rất rõ ràng, có điều chúng ta có làm hay không, hay chỉ làm theo thói quen. Ví dụ lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương làm rất tốt, tái cơ cấu rất rõ nét, thay đổi hẳn để nâng cao giá trị sản phẩm. Còn nhiều địa phương vẫn phong cách cũ, truyền thống cũ, sản phẩm cũ. Vì sao như thế? Vì nhận thức của cấp ủy chính quyền, người đứng đầu ở đó chưa nắm, hiểu và chưa tổ chức thực hiện”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhìn lại kết quả tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả ấn tượng, quy mô nền kinh tế mở rộng, đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Điều đó giúp trần nợ công từ trên 64%GDP giảm còn 61%GDP.

Bên cạnh đó, vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo được nhiều tổ chức quốc tế tăng bậc xếp hạng. Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới xếp hạng chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt; năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể trung bình giai đoạn 2011-2015 (4,35%), đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27 của Chính phủ (5,5-6% hàng năm). Nếu loại trừ ngành khai khoáng, thì tốc độ tăng năng suất lao động tăng từ 3,8% năm 2011 lên 7,1% năm 2017. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đã tăng từ 33,58% giai đoạn 2011-2015 lên 45,19% giai đoạn 2015-2017 (năm 2017, TFP đóng góp 44,13% vào tăng trưởng).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, thời gian qua, một số bộ, ngành chưa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27 của Chính phủ; một số nhiệm vụ được giao về tái cơ cấu kinh tế thực hiện còn chậm, thậm chí xin lùi thời hạn; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chưa đạt yêu cầu đề ra… Những tồn tại bất cập trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần nhìn nhận thẳng thắn để có giải pháp khắc phục.

Về giải pháp và định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, những biện pháp, mục tiêu, duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, dài hơi hơn, chú trọng tìm động lực mới cho tăng trưởng trên cơ sở lưu ý tình hình mới, nhân tố mới. Nêu cao vai trò kinh tế tư nhân, hợp tác kinh tế quốc tế nhất là trong bối cảnh hội nhập; coi trọng vai trò vai trò khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chiến lược thích ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc chỉ đạo đồng bộ với phương châm “không để ai bị bỏ lại ở phía sau” thì phải tập trung cho các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển; quá trình công nghiệp hóa là quá trình đô thị hóa.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực hơn nữa, giúp Thủ tướng đôn đốc phối hợp giữa các bộ, ngành, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, để chủ trương tái cơ cấu đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hoàn thiện khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành xây dựng bộ chỉ tiêu chi tiết giám sát, đánh giá cho từng đề án do bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý, tổ chức thực hiện. NHNN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản xử lý các vướng mắc liên quan trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bộ Công thương có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn; tạo dựng sản phẩm, thương hiệu cạnh tranh trong nước và quốc tế; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2019…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương cần kiên trì, kiên định thực hiện tốt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Quang Vinh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/09/2024