Các ngân hàng đề xuất khoản vay tối đa 400 triệu đồng không cần thẩm định người có liên quan
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức dự thảo tín dụng đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về quy định cho vay của tổ chức tín dụng. Nổi bật trong đó là vấn đề liên quan đến hạn mức cho khoản vay giá trị nhỏ, kế hoạch sử dụng vốn vay và báo cáo thông tin người có liên quan của người vay.
Nâng giá trị khoản vay nhỏ lên tối đa 400 triệu đồng
Một số nội dung đáng chú ý tại cuộc họp góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, được các tổ chức tín dụng đề xuất sửa đổi liên quan tới quy định về khoản vay có giá trị nhỏ.
Theo đó, quy định “Khoản cho vay có mức giá trị nhỏ là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam” được bổ sung vào dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, với những khoản vay này, khách hàng không cần cung cấp cho tổ chức tín dụng phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin người có liên quan. Mục đích hướng tới là đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng giá trị nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng với thủ tục đơn giản hơn. Từ đó cũng mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và giúp giảm thiểu tình trạng tín dụng đen.
Góp ý trong dự thảo, các ngân hàng đề nghị nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ (như thẻ tín dụng, thấu chi…) lên tối đa 400 triệu đồng. Chủ nhiệm Câu lạc Bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) - Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, đề xuất này để phù hợp với thực tế và những giao dịch lớn (từ 400 triệu đồng trở lên) phải được báo cáo Thủ tướng theo Quyết định số 11/2023QĐ-TTg.
“Ngân hàng Nhà nước cần xem xét quy định đơn giản hơn về hồ sơ, thủ tục chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, cũng như mục đích sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ” - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ.
VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị NHNN xem xét bổ sung quy định cho các khoản vay lớn hơn mức giá trị nhỏ (bằng 100 triệu đồng như dự thảo hoặc 400 triệu đồng như đề xuất của VNBA) dưới 1 tỷ đồng theo phương thức hạn mức thấu chi, mục đích vay vốn để phục vụ đời sống hoặc khoản vay cầm cố 100% bằng thẻ tiết kiệm (không phụ thuộc giá trị) sẽ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi để giảm thiểu thủ tục và phù hợp hơn với nhu cầu đời sống hiện nay.
Về việc kiểm tra sử dụng vốn vay, theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39 trong dự thảo sửa đổi: “Khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu cho tổ chức tín dụng… Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay…”.
Theo ý kiến của các tổ chức tín dụng, các đối tượng vay vốn chủ yếu của các công ty tài chính thường có mục đích vay tiêu dùng, khó có chứng từ đầy đủ, chính xác. Với những khoản vay có giá trị nhỏ, việc yêu cầu người vay cung cấp báo cáo kế hoạch sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích theo thỏa thuận cho vay là khó khả thi.
Do đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đề nghị ban soạn thảo dự thảo bổ sung thêm quy định loại trừ (không áp dụng) với những khoản vay có giá trị nhỏ. Đồng thời, xem xét các quy định đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục chứng minh khả năng tài chính của người vay, mục đích sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn đối với những khoản vay giá trị nhỏ.
Nên thu hẹp phạm vi khai báo thông tin người có liên quan
Tại dự thảo Thông tư, khoản 14 Điều 2 của Thông tư 39 được bổ sung như sau: “Người có liên quan của khách hàng là tổ chức, cá nhân có quan hệ với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Theo VNBA, Thông tư 22/2019/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, định nghĩa về người có liên quan đang được dự thảo sửa đổi, không có quy định cụ thể mà dẫn chiếu định nghĩa người có liên quan theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
“Tại công văn số 8798/NHNN-TTGSNH ngày 14/12/2022 của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ, trong việc xây dựng bổ sung thêm những tiêu chí xác định một khách hàng và người có liên quan đối với nhóm khách hàng có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro như: (i) Nhóm khách hàng chung tài sản bảo đảm hoặc chung một chủ sở hữu tài sản bảo đảm; (ii) Nhóm khách hàng được cấp tín dụng tập trung vốn vào một dự án; (iii) Nhóm khách hàng có chung nguồn trả nợ; (iv) Nhóm khách hàng có cùng người quản lý, người sở hữu trên 5% vốn điều lệ” - Trích từ báo cáo của VNBA.
VNBA đặt vấn đề: Các tổ chức tín dụng có bắt buộc phải đưa ra tiêu chí bổ sung tại công văn 8797 để xác định người có liên quan (ngoại trừ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng) hay không? Trong trường hợp bắt buộc, các tổ chức tín dụng sẽ tính giới hạn cấp tín dụng cho người có liên quan theo tiêu chí của Luật Các tổ chức tín dụng hay tiêu chí tại công văn 8798?
Theo Hiệp hội, việc xác định người có liên quan hiện nay khá phức tạp và khiến tổ chức tín dụng gặp khó khăn. Vì vậy, VNBA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu người vay khai báo thông tin về người có liên quan đang có dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng (nếu có thông tin).
Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Nhận xét về đề xuất trên, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ (NHNN) - Bà Mai Thị Trang cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định về mức giá trị nhỏ mà đây gần như là một khái niệm mới.
Song, bản chất trong quá trình làm luật và xây dựng dự thảo là để gia tăng điều kiện tiếp cận vốn đối với khoản vay giá trị nhỏ và giảm thủ tục hành chính. Do đó, đã có quan điểm đưa mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng vào luật nhằm sử dụng như một tham chiếu về khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Nhưng cũng có quan điểm không nên đưa mức tiền cụ thể để tạo sự linh hoạt cho các tổ chức tín dụng và người vay, đồng thời cũng đảm bảo thời gian “sống” lâu dài của Thông tư.
Trước đó, việc đưa mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng đã được ban soạn thảo dự thảo rà soát tham chiếu một số quy định tại Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, giới hạn là dư nợ cho vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó còn căn cứ theo bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, quy định dư nợ cho vay đối với khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng và được nhận biết, xác minh thông tin theo quy định tại mục 1 không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.
Báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê mới nhất cũng cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 ước đạt khoảng 101,9 triệu đồng/người (theo giá hiện hành).
Do đó, có thể lấy mức 100 triệu đồng làm cơ sở pháp lý để Tổ soạn thảo nghiên cứu và đề xuất mức tiền giá trị nhỏ trong dự thảo; Cùng với đó là khách hàng không bắt buộc phải báo cáo phương án sử dụng khả thi, không cần cung cấp thông tin người có liên quan./.
- Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng đã tăng trưởng dương trở lại
- Agribank báo lãi gần 26.000 tỷ đồng, cao thứ 4 ngành ngân hàng
- "Cạn" tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp khó vay vốn