Các tư lệnh ngành “trả bài” Quốc hội
Xem xét kết quả tại 20 lĩnh vực
Ngày 2/11/2020, bắt đầu đợt họp trực tiếp của kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tổ về kinh tế, xã hội, phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế. Liền 3 ngày sau, các vấn đề này sẽ được mổ xẻ tại hội trường trong các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ nối tiếp trong hai ngày rưỡi (gồm các ngày 6/11, 9/11 và sáng 10/11).
Có lẽ, chưa có kỳ họp nào của Quốc hội mà có tới 5 ngày rưỡi, tức là 11 phiên họp liên tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp như vậy. Nhất là ở kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 20 lĩnh vực được nêu trong 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 6 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 1 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 2 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Như thế, không chỉ các vị đại biểu Quốc hội, mà cử tri cả nước cũng có thể tiếp nhận ngay thông tin, đánh giá được các vị bộ trưởng, trưởng ngành đã thực hiện cam kết của mình trước cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân như thế nào.
Cũng cần nói thêm rằng, tại các nghị quyết sau giám sát, chất vấn, Quốc hội đều giao nhiệm vụ cho Chính phủ, song thực hiện yêu cầu của từng lĩnh vực là các vị bộ trưởng, trưởng ngành. Các bộ trưởng là người thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ về các lĩnh vực được giao phụ trách, gửi đến Quốc hội.
Trong báo cáo phát hành ngày 24/10 tập hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết nói trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo việc thực hiện. Tuy nhiên, đa số báo cáo gửi chậm so với yêu cầu theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
“Một số báo cáo của Chính phủ chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai trong thời gian qua, mà chưa có sự đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như chuyển biến tích cực từ khi triển khai các yêu cầu, giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội; chưa nêu rõ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu đề ra trong Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…”, Tổng thư ký Quốc hội khái quát.
Cử tri mong đại biểu không ngại va chạm khi phát biểu
Cử tri TP.HCM kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế đảm bảo đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp Quốc hội được chuẩn bị chu đáo và chuẩn mực hơn. Cử tri cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò, trách nhiệm là đại diện cử tri, khi phát biểu nên đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không sợ va chạm.
Cử tri Đà Nẵng đề nghị Đoàn Chủ tịch nên xem xét điều hành theo hướng: nội dung gì báo cáo Chính phủ đã nêu rõ (nhất là thành tích) thì các đại biểu Quốc hội không nên nhắc lại. Nội dung gì đại biểu Quốc hội trước đã phát biểu thì đại biểu Quốc hội sau cũng không cần phát biểu lại tương tự như vậy nữa.
Còn văn bản trái luật
Tất nhiên, không thể thống kê đầy đủ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những lời hứa còn dang dở của tất cả các vị bộ trưởng và trưởng ngành, chỉ xin nêu một vài ví dụ điển hình.
Trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật là yêu cầu rất quan trọng, song kết quả thẩm tra cho thấy, việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế và thu ngân sách chưa bám sát Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, nhiều mục tiêu trong chính sách chưa hoàn thành. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, trong đó, năm 2020 dự kiến là 19,4% GDP (kế hoạch giai đoạn 2016-2020 khoảng 21% GDP); tỷ trọng thu nội địa bình quân cả giai đoạn không đạt 84-85% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý là, còn có văn bản dưới luật quy định trái với Luật Ngân sách nhà nước chưa được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Luật này quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương, thì Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp..
Bên cạnh đó, nội dung chi chuyển về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội chưa được quy định cụ thể tại Quy chế Quản lý Quỹ. Các nội dung chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, mà chỉ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng…
Trong lĩnh vực ngân hàng, kết quả thẩm tra cho thấy, chất lượng tín dụng thuộc chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ chưa được cải thiện. Về xử lý nợ xấu, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn chậm, nhất là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Công tác triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc.
Bản tập hợp 55 trang của Tổng thư ký Quốc hội còn nêu rất nhiều hạn chế trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, đáng chú ý là, còn đến 18 luật thuộc danh mục của Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp chưa trình Quốc hội ban hành, mà hạn cuối đều là năm 2020. Theo danh sách này, Luật Về hội và Luật Biểu tình có tiến độ thực hiện là 2015-2016, nhưng đến nay cũng chưa rõ thời gian nào sẽ trình Quốc hội.
AN NGUYÊN
Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/cac-tu-lenh-nganh-tra-bai-quoc-hoi-d132455.html