ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ năm, 16h59 23/11/2023

Can thiệp sớm tổ chức tín dụng khi lỗ luỹ kế 15% thay vì 20%

(KDPT) - Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm là 3 tháng liên tục).

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 02 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trong đó nhất là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững. Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài.

Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.

Về một số nội dung chính tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung 1 chương về ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật riêng về ngân hàng chính sách.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục).

Đối với phương án thiết kế nội dung về can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, có 02 phương án như sau.

Phương án 1: Giữ quy định tổ chức tín dụng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời; bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1.

Phương án 2: Kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP vì có một số trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.

Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (Điều 159), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng giai đoạn can thiệp sớm theo thông lệ quốc tế cũng như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới chủ yếu là biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng, không sử dụng nguồn lực của Nhà nước; không có sự tham gia hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác để tránh tác động lan truyền, lây lan, sẽ ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng lành mạnh.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bỏ các biện pháp hỗ trợ tại Điều 159 Dự thảo Luật và chỉ quy định về các biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng (như tăng vốn điều lệ, cắt giảm chi phí hoạt động, không chia cổ tức, tăng cường quản trị rủi ro… quy định tại Điều 157 của dự thảo Luật); không quy định các biện pháp gián tiếp từ nguồn lực Nhà nước, biện pháp không bảo đảm nguyên tắc kế toán, phản ánh không đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng (như biện pháp phân bổ lãi phải thu phải thoái mà Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 612/BC-CP).

Đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định cụ thể về sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng khác ở giai đoạn can thiệp sớm sẽ khiến các tổ chức tín dụng có tâm lý ỷ lại, thiếu thận trọng hơn trong hoạt động.

Bên cạnh đó, một số biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng hỗ trợ (như Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn tổ chức tín dụng hỗ trợ khi tổ chức tín dụng này hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm) thực chất là hỗ trợ bắc cầu đến tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; một số biện pháp dẫn đến phản ánh không đúng thực trạng tài chính của tổ chức tín dụng hỗ trợ, có thể gây ra rủi ro lan truyền trong hệ thống tổ chức tín dụng (như cho phép các khoản vay, tiền gửi tại tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; khoản nợ mua lại từ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được loại trừ khi áp dụng các hạn chế, giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng hỗ trợ …).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là dự án Luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine