ISSN-2815-5823
Thứ hai, 09h04 26/04/2021

Câu chuyện đầu tư BĐS: Không phải cứ “xuống tiền” là “trúng mánh”

(KDPT) – Ôm mộng làm giàu từ bất động sản nhưng không phải nhà đầu tư nào tham gia thị trường cũng hưởng “trái ngọt”. Không ít người rơi vào tình trạng thua lỗ, không ra được hàng vì chọn sai sản phẩm, khu vực và phân khúc.

Sai một li đi… khoản lời

Bỏ ra gần 4 tỷ đồng mua một căn hộ trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cách đây 3 năm, một nhà đầu tư tại quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, hơn 1 năm nay chị muốn sang nhượng lại nhưng miệt mài rao bán mãi chưa thành công.

“Giá mua vào lúc đầu đã là 4 tỷ đồng, sau khi nhận nhà tôi còn phải bỏ ra gần 300 triệu để tu sửa và trang hoàng lại. Cuối năm 2019 tôi tính rao bán giá 4,8 tỷ đồng, mức giá này khá mềm so với các dự án trong khu Phú Mỹ Hưng, thế nhưng rao gần 3 tháng không có người mua. Sau do tình hình Covid-19 khó khăn, tôi giảm tiếp xuống 4,3 tỷ đồng và mới đây tôi đành chấp nhận bán lại với giá 4 tỷ đồng vì đang cần tiền gấp. Chưa tính khoản tiền 300 triệu đồng để tu sửa, 3 năm trời bỏ ra 4 tỷ đồng mà cuối cùng không thu được đồng lời nào. Tính ra khoản đầu tư này tôi lỗ nặng”, người này cho hay.

Nhà đầu tư này chia sẻ thêm, việc đầu tư thua lỗ một phần do tình hình thị trường khu vực ảm đạm nhưng phần nhiều vẫn là do chị đã chọn sai phân khúc đầu tư. Cùng trên khu vực này, 3 năm trước chị cũng bỏ ra 1,7 tỷ đồng mua một căn hộ 63m2 tại dự án Flora Bình Chánh, vừa qua chị rao bán lại giá 2,3 tỷ đồng và sang nhượng được ngay cho đôi vợ chồng có nhu cầu mua để ở chỉ sau khi đăng tin chưa đến 1 tháng. “Tình trạng khó bán lại chỉ diễn ra ở những dự án có giá cao trên khu vực quận 7, mấy căn hộ tôi đầu tư gần Nhà Bè, Bình Chánh có tầm giá khoảng 2 tỷ đồng muốn sang nhượng chênh 40-50% vẫn có người mua”, chị cho hay.

Không chỉ thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh, mà các thị trường vùng ven cũng có diễn biến tương tự. Anh Khoa (Lê Ngã, Tân Phú) cho biết, đầu năm 2019 anh bỏ ra gần 1,8 tỷ đồng để mua một nền đất tại một dự ở khu vực xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An, trầy trật rao bán đến nay không có người mua.

“Sai lầm của tôi là chọn mua dự án không suy xét về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Dù dự án này đã bán xong từ năm 2019 nhưng đến hiện tại, ngoài vài tuyến đường bê tông nội khu và mấy trụ đèn điện, gần như chủ đầu tư không xây dựng thêm được tiện ích gì. Chỉ lác đác được vài hộ về xây dựng nhưng rồi cũng không thấy ai ở, cả khu vực nhìn như dự án ma nên giờ bán lại không có ai chịu mua. Tôi đang tính nếu đến giữa năm mà không bán được thì sẽ chấp nhận bán giá gốc để rút tiền ra khỏi khoản đầu tư này đi làm việc khác”, anh Khoa chia sẻ.

Kẻ khóc nhiều hơn người cười?

Những cơn sốt đất diễn ra thường xuyên tạo ra sức nóng cục bộ cho nhiều thị trường, làn sóng săn đất của giới đầu tư cùng những thông tin có cánh về việc “trúng đậm”, “giàu nhanh” nhờ buôn đất, mua đất khiến không ít nhà đầu tư F0 lao vào thị trường này tìm cơ hội. Tuy nhiều người kiếm được lời nhưng không có nghĩa là không có ai chịu thiệt.

Theo ông Trần Lê Thanh Hiển – TGĐ Danh Việt Group, xu hướng mua trên thị trường hiện nay đang chia thành hai loại hình, một là người có nhu cầu mua để ở và hai là dân đầu tư mua để bán lại kiếm lời. Dù là người mua đầu tư thì mục tiêu cuối cùng vẫn là bán lại sản phẩm cho người mua ở thực, vậy nên các yếu tố đáp ứng được nhu cầu ở thực mới giúp họ tạo ra thanh khoản tốt cho khoản đầu tư cũng như giá trị sinh lời. Khách hàng mua nhà để ở hiện nay ngày càng khắt khe, họ mua không chỉ là một chỗ ở đơn thuần, mà tìm kiếm một nơi để sống, mua những tiện ích, không gian, môi trường giúp tạo nên giá trị cuộc sống tốt hơn. Vậy nên chỉ những dự án được đầu tư bài bản, có vị trí đắc địa, có dịch vụ cộng đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt mới có thanh khoản tốt. Ngoài ra, khi đầu tư BĐS, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến yếu tố thanh khoản của khu vực, nhu cầu ở thực tại khu vực đó đang rơi vào phân khúc nào, tầm giá nào… để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Khang, TGĐ LDG Group cho biết, những cơn sốt đất xuất hiện đã tạo ra một lượng lớn nhà đầu tư F0 trên thị trường. Tuy nhiên cứ 100 người tham gia thị trường khi sốt đất thì có đến 80 người là tay ngang, mua tài sản lần đầu “sập bẫy”. Chỉ có 20 người đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã. Không ít nhà đầu tư “chết” vì sốt đất do chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm, đồng thời dùng đòn bẩy tài chính để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và một số ít người may mắn, 80% còn lại là chấp nhận thua lỗ hay may mắn thoát ra khi còn kịp.

Bất động sản là cuộc chơi có thắng có thua, không phải ai tham gia thị trường này đều có thể thành công kiếm lời khủng. Không phủ nhận hiện nay khi giá BĐS tăng cao, nhiều nhà đầu tư dài hạn đã thành công chốt lời từ 50-100% nhưng đó là những nhà đầu tư chịu đi đường dài, chọn sản phẩm và khu vực đầu tư phù hợp. Nếu tính toán sai bài toán đầu tư, người mua không chỉ khó kiếm lời mà nguy cơ thua lỗ là rất lớn.

UYỂN NHI



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024