Câu chuyện về miếng dưa hấu của tỷ phú đầu tiên nước Mỹ và bài học làm giàu
Tại sao người giàu vẫn mãi giàu còn người nghèo không thể giàu lên? Có nhiều góc nhìn và quan điểm xoay quanh vấn đề này. Vậy có thể xem quan điểm của những tỷ phú với bộ óc làm giàu tài ba là như thế nào?
Phải nhìn xa nếu muốn kiếm nhiều tiền hơn
John D. Rockefeller được biết đến là người sáng lập Standard Oil Company và cũng là tỷ phú đầu tiên của Mỹ năm 1916. Tài sản của ông lúc bấy giờ chiếm khoảng 2% giá trị của cả nền kinh tế Hoa Kỳ, tức khoảng gần 30 tỷ USD theo giá trị hiện nay.
Rockefeller đã phát triển Standard Oil trở thành công ty dầu khí lớn nhất toàn cầu và ông cũng trở thành người giàu có nhất trong nhiều thập kỷ. Đó là kỷ lục mà chưa ai có thể phá vỡ được. Tổng tài sản tính đến năm 2021 của ông gần bằng với tài sản của Jeff Bezos và Elon Musk cộng lại.
Rockefeller đã đưa doanh nghiệp của mình kiểm soát hơn một nửa sản lượng dầu của Mỹ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với những chiến lược quản lý xuất sắc.
Theo nhận định của Ron Chernow, nhà tiểu sử của Rockefeller, ông đã trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất trên thế giới nhờ phong cách lãnh đạo quyết đoán. Lịch sử của Mỹ đã ghi nhận John Davison Rockefeller không chỉ giàu nhanh mà còn là nhà lãnh đạo xuất sắc với tư duy hơn người khiến nhiều người ngưỡng mộ và kính nể.
Rockefeller đã để lại những bài học “vàng” rất quý báu sau cả cuộc đời sống và làm giàu. Câu chuyện nhỏ về 3 miếng dưa hấu của John D. Rockefeller dưới đây có lẽ sẽ giúp bạn một phần nào đó để thay đổi cuộc sống hiện tại nếu như đang có mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo và gần hơn với sự giàu có.
Có một thanh niên Mỹ luôn muốn trở thành triệu phú và khát khao làm giàu. Thế nhưng lại không biết bắt đầu ra sao và suy nghĩ việc này cả ngày lẫn đêm. Một hôm, khi đang làm việc, anh vô tình xem được danh sách những người giàu nhất thời bấy giờ. Anh chú ý ngay tới người đứng đầu bảng. Đó là Rockefeller của Công ty Dầu Mobil. Sau đó, anh đã quyết định tìm gặp Rockefeller để học hỏi.
Anh thanh niên đã may mắn có được cơ hội gặp gỡ vị tỷ phú. Khi gặp nhau, Rockefeller đã hỏi về lý do anh đến và anh thanh niên đã nói hồi hộp rằng vì đã rất ngưỡng mộ tên tuổi của ông từ rất lâu nên muốn tới đây để hỏi cách trở thành tỷ phú và thực sự muốn trở thành người như ông ấy.
Chàng trai vừa bước vào cửa đã bị choáng ngợp bởi nội thất hoành tráng và lộng lẫy. Trong lúc đó, Rockefeller nói rằng người giúp việc nhà được nghỉ phép hôm nay nên không biết thức ăn để tiếp đãi đặt đâu. Sau đó, tìm thấy một quả dưa hấu và nói mời chàng trai ăn.
Rockefeller đã cắt quả dưa thành 3 miếng với kích cỡ khác nhau rồi nói: “Tôi muốn hỏi cậu một câu trước khi ăn: Cậu sẽ chọn miếng dưa nào nếu 3 miếng dưa hấu này tượng trưng cho những lợi ích khác nhau mà cậu có thể nhận được trong tương lai”?
Sau đó, chàng trai nhanh chóng chọn miếng dưa to nhất mà không hề do dự, còn Rockefeller chọn miếng nhỏ nhất. Sau đó, họ cùng ăn. Và trong khi anh thanh niên còn đang ăn miếng dưa lớn thì Rockefeller đã ăn hết miếng nhỏ nhất và cả miếng còn lại. Khi đó, chàng trai mới hiểu được ý nghĩa truyền đạt của Rockefeller.
Có một thực tế khá đơn giản từ câu chuyện về 3 miếng dưa hấu này. Hầu như mọi người sẽ chọn lợi ích lớn nhất trước mắt, như cách mà chàng trai kia chọn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy 2 miếng dưa nhỏ mà Rockefeller đã chọn cộng lại còn lớn hơn miếng dưa của chàng trai.
Sau khi ăn xong, vị tỷ phú đã nói về tư duy và kinh nghiệm làm giàu của mình. Ông cho biết để thành công, không phải chỉ tìm những lợi ích lớn nhất mà nên biết cách chọn lựa và bỏ đi những lợi ích trước mắt để nhìn nhận lâu dài, và thu được nhiều lợi ích hơn. Đó mới là con đường đi đến thành công của ông.
Sau đó, ông tiếp tục nói: “Vì sao lại có khoảng cách giữa người giàu và nghèo? Với câu hỏi này, sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng các tác nhân tạo ra khoảng cách giàu nghèo gồm năng lực, tầm nhìn, tư duy, sự may mắn… Và tầm nhìn là quan trọng nhất”.
Lý do khiến người nghèo càng nghèo đi là do họ chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, thích tính toán chi li, mà không phải vì họ không biết cách đầu tư hay không chăm chỉ.
Hoàn cảnh cuộc sống có thể đưa đẩy họ trở nên như vậy, tuy nhiên điều đó không phải là không thể thay đổi. Mặc dù cũng tính toán về cái lợi trước mắt song người giàu có tầm nhìn xa hơn, không giới hạn chỉ trong hiện tại. Họ biết cách từ bỏ những lợi ích hiện tại để đi lên và thu về lớn hơn. Phải nhìn xa, nhìn dài để đạt được sự giàu có bền vững.
Dù có kiếm được tiền thì việc chỉ tập trung vào lợi ích nhất thời sẽ sớm tiêu hết hay mất vào các khoản đầu tư khác. Do đó, hãy học cách nhìn xa trông rộng thì sự giàu có sẽ đến nhanh hơn.
Không nên chỉ biết kiếm tiền nhanh
Nói về Elon Musk, người ta không thể không bày tỏ sự ngưỡng mộ với một nhà phát minh tài ba, doanh nhân công nghệ và một tỷ phú giàu có thế giới.
Elon Musk (52 tuổi, tên đầy đủ là Elon Reeve Musk) vốn nổi tiếng với vị trí CEO của SpaceX và Tesla. Ngoài ra, ông cũng là nhà sáng lập của PayPal, chủ tịch SolarCity và đồng sáng lập Neuralink.
Musk có bộ óc làm giàu “điên rồ” khi luôn mang trong mình khát khao giàu có và trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất hành tinh. Công bố của Forbes năm 2024 cho thấy Musk hiện đang là một trong 3 người giàu nhất thế giới với tổng tài sản là 191,2 tỷ USD.
Khi nói về quan điểm giàu nghèo, Elon Musk chia sẻ rằng người nghèo cứ mãi nghèo là vì lý do duy nhất rằng họ chưa nhận ra bản thân của trao đổi lợi ích. Nếu không thể khắc phục được yếu điểm đó, họ sẽ vẫn mãi không thể “khá hơn”.
Musk cho biết quy luật trao đổi trên cuộc đời này rất quan trọng và quyết định đến số phận của một người. Chúng ta có xu hướng kết bạn, giao lưu, chia sẻ cảm xúc, song lại vô tình bỏ qua câu chuyện trao đổi giá trị, tiền bạc để phát triển toàn diện hơn.
Thông thường, những người có điều kiện kinh tế hạn chế bị giới hạn bởi nhận thức về bản thân. Họ có quan niệm sai lầm là chỉ cần làm việc chăm chỉ, miệt mài, tích lũy từng chút một thì sẽ giàu có.
Thế nhưng, quan điểm đó không chính xác hoàn toàn. Đó chỉ là suy nghĩ mang tính phiến diện của những ai chưa từng đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống, do đó không có cơ hội để phát triển khác.
Không chỉ gói gọn trong tài sản vật chất, sự giàu có còn bao hàm nhiều yếu tố khác như tầm nhìn xa, sự phát triển các mối quan hệ và hiểu biết về thời thế và những vấn đề về công việc và cuộc sống. Nó cũng bao gồm cả khả năng thích nghi và linh hoạt nắm bắt cơ hội đến.
Thông thường, người nghèo thường gặp khó khăn về tiền bạc và khó xoay chuyển tình thế vì chịu sức ép lớn từ cuộc sống, không muốn tìm kiếm cơ hội đột phá mà chỉ muốn kiếm tiền nhanh.
Họ ít khi hiểu rõ được bản chất mối quan hệ và cũng không biết cách tận dụng để tạo ra giá trị. Chúng ta cần đọc nhiều sách, dành nhiều giờ để nghiên cứu về bản chất con người, tự trau dồi phát triển bản thân thay vì lao ra đường kiếm tiền không mục đích.
Dù làm việc chăm chỉ miệt mài từ sớm đến khuya nhưng nhiều người vẫn chỉ nhận được mức lương ít ỏi, không có cơ hội để phát triển hay thay đổi số phận. Họ chỉ tập trung vào cảm xúc bản thân và bỏ qua việc giao tiếp và kết nối để tạo ra lợi ích.
Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ và nhận thức với các mối quan hệ xung quanh nhằm thoát nghèo và thay đổi số phận. Hãy có thái độ tích cực, không ghen tị, phàn nàn số phận bất công với sự thành công của người khác mà chỉ tìm cách sống phù hợp với bản thân.
Điều quan trọng nhất là không nên nản chí vì khó khăn nào cũng sẽ qua. Hãy tự tin và lạc quan để đối diện với cuộc sống.
Tư tưởng chung của người nghèo: Chỉ làm việc vì tiền
Là một nhà bình luận về tài chính, nhà đầu tư, doanh nhân người Mỹ, Robert Kiyosaki Toru nổi tiếng khi là tác giả sách về phát triển cá nhân, cung cấp động lực. Trong đó, có lẽ bộ sách “Rich Dad Poor Dad” - “Cha giàu cha nghèo” của ông được chú ý nhiều hơn cả.
Robert Kiyosaki Toru có 2 người cha: cha ruột và cha nuôi. Cha nuôi là cha của Mike, một người bạn thân của ông.
Cả hai người họ đều thành công trong lĩnh vực của mình và có tính cách mạnh mẽ ảnh hưởng lớn tới người khác song lại khác nhau về quan điểm tiền bạc.
Nếu như cha ruột cho rằng sự đam mê tiền bạc là nguồn gốc của điều xấu xa và không quan tâm thì cha nuôi lại nghĩ rằng thiếu tiền mới là nguồn gốc của những điều xấu xa và coi tiền là quyền lực.
Cha ruột chủ yếu kiếm tiền từ công việc và tiết kiệm để tích lũy. Mặt khác, cha nuôi lại kiếm nhiều tiền từ đầu tư và luôn chú ý chi trả hóa đơn cuối cùng.
Trong khi cha nuôi tự hỏi làm sao để mua được món đồ này thì cha ruột thường nói không có khả năng mua món đồ này.
Cha ruột vốn là người học giỏi và có bằng tiến sĩ luôn khuyên tác giả cố gắng học giỏi để lấy bằng kế toán, luật hay thạc sĩ quản trị kinh doanh để kiếm được công việc với mức thu nhập cao.
Còn cha nuôi của ông thì chỉ học xong lớp 8 lại khuyến khích học về tài chính để hiểu hơn về cách tiền bạc hoạt động và biết cách làm cho mình trở nên giàu có.
Robert Kiyosaki Toru đã quyết định học cách làm giàu từ cha giàu của mình khi 9 tuổi.
Trong quá trình học hỏi cha nuôi, những bài học đã được tác giả rút ra và được viết trong bộ Cha giàu cha nghèo. Trong đó cũng có góc nhìn về người giàu người nghèo rất rõ ràng.
Thông thường, người nghèo vẫn hay nghĩ tới việc an toàn là đi làm để có lương và tiền tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu nhập không tăng theo tỷ lệ mà các chi phí đó ngày càng tăng. Một số người tiếp tục chịu đựng, một số sẽ từ bỏ và chỉ có số ít chống lại sự cản trở bằng nghề tay trái, tự kinh doanh.
Những người tiếp tục chịu đựng hay từ bỏ thường vẫn mãi ở trạng thái nghèo bởi họ chỉ làm việc vì tiền mà không biết mục đích thực sự. Họ cũng nợ nhiều hơn khi kiếm được nhiều tiền hơn. Mối lo sợ về việc không có tiền khiến họ rơi vào vòng lặp làm việc và trả nợ. Điều đó khiến họ phải dành thời gian và tâm trí vào công việc.
Trong khi, nhóm còn lại là những người dám chống đối sếp sẽ là người nghèo thoát ra khỏi trạng thái nghèo. Họ cho rằng cuộc sống không công bằng và luôn tìm kiếm cơ hội kiếm tiền.
Ngoài ra, có một mẫu người khác là người giàu từ trong trứng. Họ sinh ra trong một gia đình giàu có nên tiếp tục thừa hưởng sự giàu có và dùng người lao động để tạo ra tiền. Không làm việc để kiếm tiền, người giàu bắt tiền làm việc cho họ.
Thông thường, người giàu không phụ thuộc vào thu nhập từ lương mà họ có nguồn thu từ các tài sản đầu tư của mình, trong đó có lợi nhuận từ tiền thuê, kinh doanh, trái tức, cổ tức và tiền lãi từ việc bán tài sản.
Tổng thu nhập đó thường cao hơn đáng kể so với chi phí sống. Sau chi tiêu, tiền dư thừa sẽ được họ đầu tư vào các tài sản mới và tạo ra chu trình tăng trưởng tiền. Điều đó giúp tài sản của họ ngày càng gia tăng.
Do đó, hãy luôn tập trung suy nghĩ để tận dụng các cơ hội làm giàu xung quanh nếu không sinh ra trong một gia đình giàu có. Đừng chỉ bận rộn tập trung kiếm tiền và duy trì sự đảm bảo công việc mà bỏ lỡ các cơ hội đến với sự giàu có./.
- Kinh nghiệm GenZ cần nhớ trong đầu tư tài chính để làm giàu bền vững trong thời đại 4.0
- Công nghệ cao giúp nông dân Hà Nội thuận lợi làm giàu
- Tỷ phú Warren Buffett khuyên gen Z làm giàu cách nào khi "thị trường chứng khoán như đánh bạc"?