Chiếc cặp da và khoan thư sức dân
Trong lúc này, dư luận lại xôn xao trước thông tin “Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình thông qua việc tặng 600 đại biểu và khách mời đại hội Đảng mỗi người một chiếc cặp trị giá 3,5 đến gần 3,7 triệu đồng. Tổng cộng số tiền tỉnh đã chi mua cặp là hơn 2,2 tỉ đồng”. Nếu là “quà cho đại biểu” thì thành thực ra cũng không có gì quá đáng. Đại hội nào, hội thảo nào mà chẳng có quà, không ít thì nhiều, không to thì bé, tùy tâm chủ nhà. Trong khi cả đất nước phải gồng mình chống chọi, biết bao “Mạnh Thường Quân” đã mở rộng vòng tay, hỗ trợ cho người dân, chiến sĩ tại tuyến đầu chống dịch, đặt chiếc cặp da vào bối cảnh này quả thực kệch cỡm. Xét về độ “chịu chơi” thì 2,2 tỷ đồng mua cặp da cho đại biểu, khách mời của Quảng Bình xếp nhì, không/chưa ai dám đứng thứ nhất. Nhưng xét về độ khó, khổ, và kêu ca thì Quảng Bình cũng không hề kém cạnh. Cũng chỉ mới đây, chính Quảng Bình, cụ thể là tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2020 (2/7), ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh này đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm kinh phí để chi trả cho đối tượng ảnh hưởng do dịch Covid-19. “Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã rà soát các đối tượng rất kỹ nhưng kinh phí còn thấp, chúng tôi mới đáp ứng được khoảng một nửa”- lời của ông Chủ tịch tỉnh tại hội nghị. Nghĩa là mới cách đây hơn một tháng tỉnh này vẫn còn đến một nửa số đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19 chưa được hỗ trợ. Một nửa này, là hơn 100.000 người.
Hơn 100.000 con người đó nếu được biết tỉnh chi đến hơn 2 tỷ để mua cặp da cho đại biểu, họ buồn lòng biết bao.
Dân buồn lòng, đói khổ như thế, Chính phủ, Thủ tướng tất nhiên không đành lòng. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh (lần 2). Chính sách này sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm… Chính phủ đã nắm bắt rất rõ tình hình của nhân dân, sức khỏe của nền kinh tế và ngay lập tức đưa ra nhiều chính sách phù hợp, thuận lòng dân, nhằm hỗ trợ trước mắt và ổn định lâu dài trong bối cảnh Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp. Nhưng, vẫn là câu chuyện “trên nóng dưới lạnh”. “Tình trạng trên nóng, dưới lạnh được khắc phục một bước quan trọng; nhiều ngành, địa phương nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước” – Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 10/2019. Không chỉ một lần Thủ tướng nhắc đến “nan đề” này. Người đứng đầu Chính phủ luôn bày tỏ mong muốn “sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến được. Chuyển biến đó hướng tới nền hành chính công thực sự vì người dân, doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, trung tâm trong hoạt động của chính quyền. Có như thế mới lan tỏa được sức “nóng”, thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến lên.
Cái “lạnh” đó cũng là nhắc nhở chính quyền các cấp, các ngành đừng thờ ơ với nỗi khổ của người dân, đừng chỉ chăm chăm vào “chiếc cặp”, hãy nghĩ tới sinh kế của Nhân Dân. Nhà cầm quyền thời bình, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải lo cho đời sống của dân, cấm kỵ nhất là làm cho dân thêm khổ cực.
“Các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể vô cảm trước sự khó khăn của người dân, doanh nghiệp”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Sử sách vẫn còn ghi, khoảng từ năm 1440 đến 1442, khi được vua Lê Thái Tông sai soạn lễ nhạc cung đình (nhã nhạc), Nguyễn Trãi tâu, xin nhà vua hãy chăm dân “Sao cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, bởi vì “Đó là cái gốc của lễ nhạc”. Lúc ấy, cũng đang là thời bình và làm cho “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, chính là “khoan thư sức dân”!
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Người dặn rằng, sau ngày thắng lợi, Chính phủ hãy miễn thuế nông nghiệp cho dân vài ba năm. “Sau ngày thắng lợi” tức là thời bình. “Miễn thuế nông nghiệp” tức là “khoan thư sức dân”…
“Khoan thư sức dân” chính là bồi bổ “gốc rễ” của nước nhà, để nước nhà được trường tồn, vẻ vang, chứ thời bình mà không chăm “gốc rễ”, chỉ nương vào công đức/công sức của tiền nhân để hưởng lợi riêng, “vinh thân phì gia”, thì còn nói đến làm gì. Các cấp, các ngành phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ; quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí. Chợt thấy lời người xưa đang còn “dài” tới tận ngày nay, mà mừng!
2,2 tỷ đồng để mua cặp da của Quảng Bình cũng là từ ngân sách, mà ngân sách được chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân. Liệu, các đại biểu có thấy nhẹ lòng khi cầm chiếc cặp da mà nhân dân còn khốn khó, quay cuồng với dịch bệnh, với sinh kế thường nhật, khi hàng nghìn người vẫn đang mong ngóng các gói hỗ trợ, hàng ngàn doanh nghiệp vẫn đang cần những giải pháp cứu nguy?
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, và chiếc cặp da cũng không làm nên người đại biểu. Nếu thực là những đại biểu của nhân dân dự đại hội của Đảng, chắc chắn không ai vui vẻ gì khi cầm trên tay chiếc cặp da nặng trĩu lòng dân như vậy.
Cũng rất may, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình trong ngày 27/8 đã kịp thời sửa sai khi chỉ đạo dừng ngay việc mua cặp da phục vụ đại hội. Biết sai mà sửa đó là điều đáng quý. Thấu hiểu nhân dân, đó lại là điều đáng trân trọng. Khi đó, mỗi hành động, lời nói, việc làm sẽ thực tâm vì nhân dân, đất nước. Có như thế mới thực là kế sâu rễ bền gốc vậy.
DUY KHÁNH