(KDPT) – Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) khuyến cáo, đối với việc mở đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ, các hãng phải cân nhắc nếu khai thác có điểm dừng đón khách tại nước thứ 3 sẽ “dễ thở” hơn. Còn bay non-stop (bay không có điểm dừng trung gian) đòi hỏi phải chọn lựa tàu bay và đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực giám sát an toàn tàu bay.

Tính toán thế nào để không lỗ

Thông tin tại tọa đàm “Bay thẳng Việt-Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh” với sự phối hợp tổ chức của Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam diễn ra chiều 1/8, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của hãng hàng không Bamboo Airways đề cập một vài ước tính sơ bộ để có thể “yên tâm rằng bay sẽ không lỗ”.

Theo đó, giả sử Bamboo Airways thuê một tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá khoảng 1 triệu USD/tháng (23 tỷ đồng), chi phí nguyên tiền xăng dầu khoảng 61 tỷ đồng/tháng. Một tháng bay được 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng, nếu bay vào mùa đông ngược gió thành 17 tiếng. Chi phí kỹ thuật 16 tỷ đồng, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỷ đồng, chi phí khác 6 tỷ đồng… Tính chung cho một tàu bay 787-9 khai thác sẽ rơi vào con số 103 tỷ đồng/tháng.

Về thu, máy bay 787-9 có 310 ghế, song Bamboo Airways sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng Thương gia. Nếu giả sử bán vé 1.100 USD với 240 khách khứ-hồi, số tiền thu về ước tính khoảng 116,3 tỷ đồng.

“Như vậy, nếu tính chi phí bỏ ra và thu về, số lỗ cho chuyến bay đi Mỹ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD vé khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ. Như vậy, việc lỗ hay lãi hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé”, ông Quyết đưa ra bài toán chi phí cho đường bay từ Việt Nam đến Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
>>> Tre Việt cần đáp ứng những điều kiện gì để được tăng máy bay?

Nếu thuê máy bay A350, số ghế 240 khách, bán giá vé 1.300 USD thì hãng sẽ lãi 28 tỷ đồng/chuyến bay khứ hồi.

Con số chi phí cho một tàu bay được ông Trịnh Văn Quyết khẳng định hoàn toàn chính xác đến từng USD, trừ các chi phí, rủi ro là số khách thấp hơn.

Đưa ra việc bán vé giai đoạn đầu có thể khuyến mại và khi ổn định, ông Quyết cho hay, với việc bay an toàn, đúng giờ, sự chuyên nghiệp của phi công, tiếp viên…, giá vé có thể cao hơn nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá vé bay Mỹ của Japan Airlines (bán 1.600 USD), hay Cathay Pacific (Hong Kong) hiện bán trên dưới 1.300 USD…

“Bamboo Airways đều có kế hoạch kinh doanh linh động để đạt hiệu quả, thay vì bay cả tháng (17 ngày) thì chỉ bay 1 tuần. Khi mở đường bay thẳng đến Mỹ, trong trường hợp nếu qua lãnh thổ thứ 3 như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì số lãi lớn hơn nhiều vì lúc đó sẽ đón khách của hãng khác,” ông Quyết nói.

Điều kiện thị trường ban đầu sẽ chưa thuận lợi

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Hoa Kỳ, ngành hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) Năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) trên cơ sở FAA tổ chức đánh giá An toàn hàng không toàn cầu (IASA) đối với Cục Hàng không Việt Nam cũng như công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) tới Mỹ.

Riêng về yếu tố thị trường, các hãng hàng không đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm lời giải cho bài toán thị trường (nguồn khách thường xuyên), theo đó, lựa chọn phương án tìm một điểm giữa thích hợp tại châu Á để có thể kết hợp khai thác thương quyền 5 tới Hoa Kỳ hoặc bay thẳng (non-stop).

Bên cạnh đó, mặc dù cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và khu vực Bắc Mỹ nói chung, cùng với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ là một cộng đồng đông đảo, chiếm tỉ trọng trên 75% tổng dung lượng nhưng thực tế lại sinh sống phân tán, đi lại mang tính thời điểm, chưa thực sự thành một nguồn khách thường xuyên.

“Trong khi lượng khách doanh nhân chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 40% nên việc xác định điểm đến là nhiệm vụ thực sự khó khăn để đảm bảo duy trì hiệu quả khai thác đường bay trong cả năm”, ông Võ Huy Cường phân tích.

Đánh giá về “giấc mơ bay” của hàng không Tre Việt, theo ông Cường, để thực hiện được phải nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện kỹ thuật khai thác tàu bay.

“Các hãng phải cân nhắc nếu khai thác có điểm dừng đón khách tại nước thứ 3 thì dễ thở hơn, nếu bay non-stop (bay không có điểm dừng trung gian) sẽ có những khó khăn nhất định đòi hỏi phải chọn lựa tàu bay và đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực giám sát an toàn tàu bay”, ông Cường khuyến cáo.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng các hãng hàng không sẽ thực hiện được giấc mơ bay thẳng Mỹ.

“Tuy nhiên, giấc mơ này có hai màu sáng-tối, nên phải cố gắng làm sao để màu sáng nhiều hơn. Bài toán tổng thể mà ông Quyết tính tới không chỉ là một đường bay. Trong những năm đầu đường bay thẳng có thể phát sinh lỗ nhưng với bài toán dài hạn, tổng thể của cả tập đoàn, FLC sẽ thành công,” ông Lộc nói.

Phan Trang
Theo chinhphu.vn