ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 04h04 28/01/2022

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022

(KDPT) – Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội năm 2022; Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ; chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng… là những chính sách mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2022.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH năm 2022

Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội. Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ. Cụ thể:

Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.

Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 – 1999: Tăng 0,07.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 – 2003: Tăng 0,06.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 – 2007: Tăng 0,05.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 – 2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 – 2013: Tăng 0,03.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 – 2020: Tăng 0,02.

Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 “nhích nhẹ” so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, tiền lương hưu hằng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…

Hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ.

Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ

Thông tư 18 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 chính thức tăng thời gian làm thêm cho người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.

Theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ, trong khi trước đây là không quá 64 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một tháng được Thông tư này quy định là không quá 40 giờ, thay cho quy định không quá 32 giờ như trước đây.

Đáng chú ý, kể từ ngày 1/2/2022, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, tết, người lao động làm công việc thời vụ cũng sẽ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với Cách mạng

Theo Nghị định 131 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, những người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… sẽ được hỗ trợ về nhà ở bằng các hình thức:

– Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

– Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất).

– Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

– Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

– Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng. Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Bốn trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tương đối chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường lao động. Theo đó, có bốn trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

– Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

– Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

– Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

– Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng bảy tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là bốn tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.

Quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử

Vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính thức về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử tại Thông tư 27, trong đó đặt ra lộ trình cụ thể cho việc áp dụng hình thức kê đơn thuốc mới này như sau:

– Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

– Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1/12/2022.

Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Thông tư này cũng quy định, các bệnh viện, phòng khám phải có tránh nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú. Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử.

Đồng thời, tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.

Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng

Nghị định 134 của Chính phủ hiệu lực từ ngày 15/2/2022 có một số quy định mới liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Trước đây, Nghị định 59 năm 2019 quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Tuy nhiên, đến Nghị định 134, Chính phủ chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cho dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận là không tham nhũng thì cũng vẫn không được trở lại vị trí công tác cũ.

DUY KHÁNH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024