ISSN-2815-5823
Thứ hai, 10h02 19/07/2021

Chống dịch Covid-19: Nơi nghiêm túc, nơi lơ là

(KDPT) – Từ 0h ngày 19/7, theo Công điện số 15 của UBND thành phố Hà Nội, yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, đồng thời yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh doanh và Phát triển, nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử, giày dép, quần áo, mỹ phầm vẫn hoạt động một cách công khai.

Trong Công điện 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đó, đáng chú ý Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu…); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.

Theo ghi nhận, tại hai tuyến phố Chùa Bộc và Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) ngày thường luôn nhộn nhịp các hoạt động kinh doanh với đủ mọi loại hình, mặt hàng khác nhau. Trong sáng nay, hàng loạt các cửa hàng đã treo biển thông báo đóng cửa theo quy định.

Một cửa hàng kinh doanh quần áo treo biển thông báo đóng cửa.

Bên cạnh đó, có không ít các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu vẫn mở cửa hoặc mở cửa một phần để đón khách.

Bên cạnh đó, theo Công điện 15 của Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến. Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.Tuy nhiên, theo ghi nhận, ở một trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội, nhiều gian hàng không thiết yếu tại đây vẫn mở cửa bán hàng.

Chiều 19/7, Sở Y tế Hà Nội thông báo ghi nhận 17 trường hợp mắc mới, trong đó quận Hai Bà Trưng có 7 người, Hoàn Kiếm 4 người, Cầu Giấy 2 người, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mỹ Đức mỗi địa điểm thêm 1 người được xác định mắc Covid-19.

Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trên khắp cả nước, do đó nơi nào có tập trung đông người, nơi nào lơ là, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch và giám sát không bảo đảm thì nơi đó nguy cơ dịch bệnh sẽ tăng lên. Đối với người dân cần thực hiện tốt Thông điệp 5K, vận động người thân khai báo kịp thời, đồng thời cài đặt Bluezone và hạn chế đi lại nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

NGUYỄN NGÂN – HOÀNG NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024