Chủ động đổi mới, tận dụng thời cơ phát triển thương hiệu
Nếu Vĩnh Hoàn xuất khẩu các mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được EU xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với từng sản phẩm, gồm: cá ngừ đóng hộp có hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn; tôm nguyên liệu sẽ về mức thuế 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm về 0% thay vì 20% ở hiện tại. Các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực…) sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 20%. Mực và bạch tuộc đông lạnh đang chịu có mức thuế 6 – 8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%…
Đứng trước “thời cơ vàng” này, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cần xác định sẽ phải bứt phá hơn nữa, tăng tốc xuất khẩu hơn nữa, để lấy lại uy tín và thương hiệu sau thời gian chững lại vì dịch bệnh Covid-19. Bởi khi EVFTA được thông qua, Vĩnh Hoàn cũng như các doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo ra động lực mở cửa thị trường. Doanh nghiệp này cũng sẽ có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; đồng thời được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn.
Tuy nhiên, Vĩnh Hoàn cũng cần lường trước khó khăn khi phải đối mặt với những thách thức mới như: Các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn,… Do vậy, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA, cũng như tránh những rủi ro, hạn chế, các nhà chuyên môn khuyến nghị, trước hết doanh nghiệp cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định. Đồng thời, chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian tới, Vĩnh Hoàn cần không ngừng củng cố năng lực sản xuất và bán hàng của mình; chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường; xây dựng và tăng cường đội ngũ quản lý cũng như đội ngũ bán hàng và “marketing”,… Tận dụng mọi cơ hội sau khi EVFTA được thông qua là mệnh lệnh sống còn để Vĩnh Hoàn hoàn thành định hướng trở thành một công ty đa quốc gia – hướng đến mục tiêu có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE – Mã chứng khoán: VHC) có địa chỉ tại quốc lộ 30, phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 1400112623 (đăng ký lần đầu ngày 17/4/2007) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cấp. Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất thủy sản chất lượng cao tại Việt Nam. Khi lựa chọn Vĩnh Hoàn, khách hàng luôn được thỏa mãn với chất lượng sản phẩm ổn định, dịch vụ khách hàng hoàn hảo, sự đảm bảo về hệ thống chứng nhận quốc tế và khả năng truy xuất nguồn gốc. Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đầu tiên có chứng nhận quốc tế ASC về nuôi trồng cá tra vào năm 2012 và là đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn BAP 4 sao cho cá tra của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu – GAA vào năm 2015.
NGUYÊN MINH