ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 02h45 01/02/2020

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách: ‘Sẽ giám sát chặt việc ban hành văn bản hướng dẫn luật’

(KDPT) – Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết những dự án luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc này nhằm bảo đảm luật ban hành đi thẳng vào cuộc sống, không phải “mòn mỏi” chờ nghị định.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách

– Với tư cách người đứng đầu cơ quan đảm trách lĩnh vực tài chính – ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về những kết quả Ủy ban đạt được trong năm 2019?

Ông Nguyễn Đức Hải: Tôi cho rằng với trách nhiệm là cơ quan “gác cửa” cho Quốc hội về lĩnh vực tài chính, ngân sách, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đồng hành với Chính phủ trong việc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề về cơ chế, chính sách một cách đúng đắn, hiệu quả. Từ đó, góp phần hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2019 – năm bản lề cho năm cuối thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

Cụ thể, qua báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả thu cân đối NSNN đến ngày 31.12.2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,79% so với dự toán, tăng 92,2 nghìn tỷ đồng so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.2019 và tăng 8,7% so với thực hiện năm 2018. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 32 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so dự toán; thu ngân sách địa phương vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so dự toán.

Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn. Điều này thể hiện ở tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lên trên 82% năm 2019; tỷ trọng thu dầu thô giảm dần và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ 18,2% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn 13,9% năm 2019.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ chi được bảo đảm theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 27% (mục tiêu là 25 – 26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

– Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phải xử lý khối lượng công việc như thế nào để đạt kết quả trên, thưa Chủ nhiệm?

Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, trí tuệ của tập thể Thường trực Ủy ban; sự chắc chắn của đội ngũ tham mưu, giúp việc của Vụ Tài chính – Ngân sách và đặc biệt có sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo Quốc hội.

Như chúng ta đều biết, nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2019 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, không thuận lợi. Ở trong nước, bên cạnh những khó khăn, hạn chế chậm được khắc phục của nội tại nền kinh tế là những diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách riêng Ủy ban chúng tôi đã triển khai khối lượng công việc khá đồ sộ. Cụ thể, chúng tôi chủ trì thẩm tra trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật (Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước); 4 nghị quyết về NSNN, trong đó có nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách; xây dựng trên 50 báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

– Trong số đó, theo Chủ nhiệm, luật, nghị quyết nào sẽ tác động tích cực tới sự bền vững của nền tài chính quốc gia và sự phát triển đất nước thời gian tới?

Tôi cho rằng có 2 dự án Luật tác động rất lớn đến sự bền vững của nền tài chính quốc gia và sự phát triển đất nước. Đó là Luật Quản lý thuế (sửa đổi) điều chỉnh về quản lý thu ngân sách và Luật Đầu tư công (sửa đổi) điều chỉnh về quy trình thực hiện các dự án đầu tư của đất nước. Có thể nói đây là những dự án luật rất khó, có tác động đến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng ngân sách, góp phần bảo đảm việc quản lý thu ngân sách minh bạch, hiệu quả và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư – nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của đất nước.

Ngoài ra, tôi cho rằng kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cũng góp phần quan trọng giúp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương nhìn nhận một cách thấu đáo trong việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói: “NSNN như dòng sông đang cạn nước, còn các quỹ như các hồ chứa xung quanh dòng sông”, điều này cho thấy việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính còn chưa hiệu quả, trong khi NSNN vẫn phải đi vay và chịu lãi suất cao thì nguồn dư tại các Quỹ tài chính lại lớn.

– Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ có những động thái gì tiếp theo để kết quả giám sát quỹ tài chính đi vào cuộc sống, thưa Chủ nhiệm?

Trong quá trình xem xét dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó báo cáo rõ về lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi cũng kiên quyết kiến nghị Quốc hội không phân bổ, hỗ trợ nguồn vốn NSNN cho các quỹ hoạt động không hiệu quả, có nguồn thu, chi trùng lặp với NSNN đã được chỉ ra trong Báo cáo kết quả giám sát.

Ngoài ra, trong năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tiếp tục xem xét thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban đối với một số Quỹ tài chính hoạt động không hiệu quả đã được Đoàn giám sát chỉ ra nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

– Được biết, năm nay Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết những luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra. Vì sao nhiệm vụ này được đặt ra, thưa Chủ nhiệm?

Trách nhiệm của Quốc hội là ban hành luật, còn Chính phủ, các bộ, ngành ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết các nội dung được Quốc hội giao và phải bảo đảm văn bản dưới luật có hiệu lực đồng thời với Luật đã được Quốc hội thông qua.

Do đó, để bảo đảm luật ban hành được thực thi trong thực tiễn, trong kế hoạch hoạt động năm nay, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa nội dung giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các dự án luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra. Theo đó, sẽ thực hiện giám sát về tiến độ thực hiện, nội dung của các văn bản dưới luật không trái với nội dung của luật.

Đồng thời, trong quá trình soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành luật, Ủy ban cũng cử đại diện Thường trực Ủy ban tham gia Ban chỉ đạo và cán bộ Vụ Tài chính – Ngân sách tham gia tổ biên tập. Qua đó, sẽ có ý kiến trực tiếp vào các văn bản trong quá trình soạn thảo, bảo đảm việc ban hành văn bản dưới luật không có các quy định trái với luật đã được Quốc hội thông qua.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024