ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 22h51 22/02/2019

Chủ tịch Quốc hội: Đừng đổ thừa vướng mắc đều do Luật Đầu tư công

(KDPT) – Đặt vấn đề sửa luật này có giải quyết được khó khăn, ách tắc hay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn thực tế cho thấy phần nhiều ách tắc là do tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn do luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều này khi thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, tại phiên họp 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/2.

Có thực sự vướng mắc là do luật?

Đặt vấn đề sửa luật này có giải quyết được khó khăn, ách tắc hay không, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn thực tế cho thấy phần nhiều ách tắc là do tổ chức thực hiện chứ không phải hoàn toàn do luật.

“Quan điểm của tôi là nhiều ý kiến cứ đổ thừa cho Luật Đầu tư công. Nên giờ điểm nào bất hợp lý thì sửa chứ đừng có sửa lại tiếp tục bất hợp lý. Phạm vi, tên gọi thế nào không quan trọng miễn là sửa cái nào ra cái đó, để không thể nói ách tắc do luật nữa” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, Luật Đầu tư công hiện hành khi ra đời đáp ứng được thực tiễn. Qua theo dõi có thể thấy đại đa số dự án đầu tư công đảm bảo chất lượng, nhưng nổi lên một số dự án chất lượng xuống cấp nhanh, chậm tiến độ và qua một số vụ án chứng minh có thất thoát, lãng phí lớn, nguy cơ tham nhũng trong khu vực đầu tư công khá lớn. Trong khi đó các dự án của tư nhân thường đảm bảo chất lượng, tiến độ. Do đó, việc sửa luật này cần lưu ý vì Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng nhấn mạnh tập trung vào khu vực đầu tư công.

Ở góc độ khác, bà Lê Thị Nga băn khoăn là Luật hiện hành có đời sống quá ngắn (khoảng 3 năm) đã rục rịch sửa nên cần cân nhắc về phạm vi. “Cái nào lỗi không phải do luật thì không nhân cơ hội này để sửa. Vấn đề gì vướng mắc trong thực tiễn thì sửa, nếu sửa lớn thì phạm vi là luật sửa đổi, không lớn thì gọi luật sửa đổi một số điều và điều này không quan trọng”.

Không tách riêng đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập

Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Khoản 6 Điều 5 Dự thảo Luật vì không nên tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là dự án độc lập.

Theo đó, nếu tách riêng công tác này để bố trí vốn đầu tư công có thể sẽ dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án vì không nhìn được tổng thể nhu cầu nguồn lực, hoặc dự án không được phê duyệt, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và dễ gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với các trường hợp đặc thù, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án mà cần thiết phải tách riêng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện trước, căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định dựa trên những quy định về điều kiện, tính đặc thù của dự án trong luật này.

Nhìn chung các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ đồng tình với quan điểm của Ủy ban TC-NS. “Quan điểm của tôi là không thể tách riêng, độc lập. Vừa qua chỉ có dự án sân bay Long Thành được tách riêng phần giải phóng mặt bằng vì dự án rất lớn, cá biệt, bố trí tới 23.000 tỷ đồng cho công tác này” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Cơ sở nào tăng tiêu chí từ 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ?

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, theo ông Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến ĐBQH cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải

Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như Luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội (dự án sân bay Long Thành và đường sắt cao tốc Bắc Nam) và không có vướng mắc gì.

“Tuy nhiên, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành” – ông Nguyễn Đức Hải nói và cho biết cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về cơ sở điều chỉnh tiêu chí so với luật hiện hành. “35.000 tỷ đồng là quá lớn, vậy cơ sở nào để điều chỉnh? Thực tế mới có 2 dự án thông qua Quốc hội, do đó cần cân nhắc về quy định này”.

Nhấn mạnh đây là vấn đề cần rà soát lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý không chỉ quan tâm tiêu chí vốn mà còn cả yếu tố môi trường (như quy định diện tích rừng). “Cần giải trình rõ cơ sở điều chỉnh để báo cáo Quốc hội, còn tự nhiên “nhảy” lên 35.000 tỷ đồng là chẳng có căn cứ nào”.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban TCNS là cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương, tránh việc cáp trên “ôm” quá nhiều.

Theo Báo Đầu tư



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024