ISSN-2815-5823
Thứ năm, 09h31 11/04/2019

Chuyển đổi lên doanh nghiệp: Hộ kinh doanh không “mặn mà”

Phải là “công cụ” rẻ nhất

(KDPT) – Từ khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội mới có 9 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Hải Hùng cho rằng, dù doanh nghiệp hay hộ kinh doanh thì quan trọng nhất là mô hình đó phải là công cụ “rẻ” nhất, phù hợp nhất để tạo lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh và đóng thuế cho Nhà nước.

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Bộ Tài chính), chúng ta không nên đặt vấn đề quá lớn vào 90% hộ kinh doanh nhỏ mà chỉ nên tập trung vào những hộ kinh doanh lớn. Đồng thời, nên tôn trọng tính đa dạng thành phần kinh tế theo thông lệ quốc tế. Bà Lan lý giải, lĩnh vực thuế đã có những sửa đổi từ năm 2015 đến nay theo định hướng phân loại hộ kinh doanh lớn và nhỏ. Hộ kinh doanh lớn thì quản lý như một doanh nghiệp siêu nhỏ. Đối với hộ kinh doanh nhỏ, chiếm tới 90%, thì vẫn phải quản lý theo cách truyền thống vì họ chỉ đủ nuôi sống gia đình. Bên cạnh đó, rất khó để người dân bỏ được nỗi lo lên doanh nghiệp là bị hành, vì thế tốt nhất vẫn để cá nhân kinh doanh.

TIN LIÊN QUAN
>>> Khi hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp
>>> Bỏ quy định “cưỡng ép” hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
>>> Vì sao chủ hộ kinh doanh không muốn làm giám đốc?

Còn ông Nguyễn Hải Hùng, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, từ khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Nội mới có 9 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Theo quan sát của ông Hùng, bản chất của hộ kinh doanh giống như doanh nghiệp tư nhân nhưng ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh cách tính thuế, thu thuế phức tạp và mất nhiều hơn thì mô hình tổ chức doanh nghiệp cũng phức tạp, phát sinh thêm nhiều chi phí hơn. Hơn nữa, việc chuyển đổi không cho thấy sự hấp dẫn hơn đối với hộ kinh doanh cả về tiếp cận thị trường, vốn, quản trị….

Để so sánh, ông Hùng đưa ra trường hợp về hai người bạn của mình. Một người là giám đốc công ty TNHH MTV, một người làm chủ quán cà phê và quán phở. Đối với anh bạn giám đốc, khi thành lập doanh nghiệp đã thuê trụ sở văn phòng, hòm thư có biển công ty theo quy định, có lễ tân, hàng tháng thuê đơn vị kê khai thuế mất mấy ngày và anh ta chỉ làm giao dịch qua mạng, thương mại điện tử công nghệ 4.0. Còn anh chủ quán cà phê, quán phở kia thuê 20 lao động, mỗi quán 10 lao động làm đầu bếp, bưng bê, phục vụ bàn. Anh ta kinh doanh rất hiệu quả và đóng thuế đầy đủ. “Câu chuyện trên cho thấy, mô hình kinh doanh dù là doanh nghiệp hay bất cứ loại hình nào cũng phải là công cụ rẻ nhất, phù hợp nhất để tạo lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh và đóng thuế cho Nhà nước”, ông Hùng nói.

Có thể tạo khuôn khổ pháp lý riêng

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chúng ta khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi nhưng phải tạo ra cho họ những ưu đãi, hay những lợi ích rõ ràng. Ví dụ về thuế, trước kia kế toán rất phức tạp khi đòi hỏi có kế toán trưởng, có báo cáo tài chính gây rất nhiều khó khăn. Bây giờ chỉ còn có 7 tài khoản kế toán so với 49 tài khoản kế toán quy định như trước, thậm chí người ta có thể sử dụng kế toán đơn và không cần lập các báo cáo về thuế.

Theo bà Cúc, Luật Doanh nghiệp mà điều chỉnh cá nhân kinh doanh sẽ rất khó nên không nhất thiết phải đưa vào Luật Doanh nghiệp. Thay vào đó, chúng ta có thể tạo ra khuôn khổ pháp lý riêng cho các cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh khi họ không có điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tức là, không cần thiết phải đưa chính thức hộ kinh doanh cá thể vào trong Luật Doanh nghiệp, bởi vì khi đã là Luật Doanh nghiệp thì phải điều chỉnh doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp là pháp nhân, còn cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh là thể nhân. Bà Cúc nhấn mạnh, sẽ cần phải điều chỉnh trong từng luật riêng liên quan đến chuyên ngành thay vì đưa họ vào Luật Doanh nghiệp và có những văn bản hướng dẫn riêng, rất cụ thể để thực thi được chứ không phải chỉ dừng lại ở nghị quyết, chỉ thị để hô hào.

Ông Fushihara Hirota, đại diện Công Ty Tư Vấn UIVN (URYU&ITOGA Việt Nam) chia sẻ, ở Nhật Bản, đối với kinh doanh cá thể, Nhà nước đưa ra một số chính sách chủ yếu liên quan về vốn vay, linh hoạt cho các tài sản kinh doanh. Hơn nữa, chế độ kế toán, ghi sổ sách rất đơn giản. Chính vì thế các cá nhân kinh doanh thường là người dân bình thường với đồng vốn ít ỏi của mình. Hơn nữa, kinh doanh cá nhân ở Nhật Bản không phải đăng ký kinh doanh mà chỉ cần thông báo cho Cục Thuế. Thông qua sổ sách kế toán mà Cục Thuế sẽ xem xét để đánh thuế. Thêm vào đó, cá nhân kinh doanh được khấu trừ chi phí kinh doanh đầu vào. “Áp dụng chế độ thuế khoán sẽ chỉ tốt cho một số chủ thể, còn áp dụng kinh doanh được khấu trừ đầy đủ chi phí thì sẽ khuyến khích hộ kinh doanh kinh doanh một cách rõ ràng và sẽ thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh doanh này” ông Fushihara Hirota nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tên gọi “hộ kinh doanh cá thể” là tên gọi do lịch sử, thực chất họ là những cá nhân kinh doanh (đăng ký hay không đăng ký kinh doanh). Do đó, nếu cần thiết thì chỉ đổi tên gọi này thành cá nhân kinh doanh, vị trí pháp lý sẽ giống như các nước khác. Một cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn không đăng ký kinh doanh (nhưng phải đăng ký thuế); hoặc đăng ký kinh doanh; hoặc có thể đăng ký là doanh nghiệp tư nhân.

Theo Đại biểu nhân dân

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024