ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 21h29 17/10/2023

Chuyển đổi nhà máy thông minh - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt

(KDPT) - Hiện nay, mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory) hay nhà máy kết nối (Connected Factory) đang là xu hướng mà các doanh nghiệp hướng đến trong việc phát triển các cơ sở sản xuất. Theo đó, với mô hình nhà máy thông minh đã thể hiện bước nhảy vọt từ tự động hóa truyền thống đến một nhà máy với hệ thống máy móc, thiết bị được kết nối hoàn toàn và linh hoạt, cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những lợi ích thiết thực

Những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển của mô hình nhà máy thông minh. Nhờ áp dụng các nền tảng công nghệ số tiên tiến như công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,... nhà máy thông minh hứa hẹn là sẽ là giải pháp mang đến những bước tiến nhảy vọt cho ngành công nghiệp sản xuất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong cuộc đua số hóa.

Mô hình nhà máy truyền thống và mô hình nhà máy thông minh. Ảnh: MTA Hanoi

Mô hình nhà máy thông minh dùng để chỉ môi trường mà trong đó các thiết bị, máy móc sản xuất hoạt động một cách tự động theo một quy trình được thiết lập. Trong mô hình này, con người và máy móc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, con người đóng vai trò điều khiển, kiểm soát còn máy móc đóng vai trò thực thi sản xuất.

Hệ thống nhà máy thông minh hoạt động nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo AI, tự động hóa, nền tảng IoT, BI,... giúp doanh nghiệp vận hành tự động ở mọi khâu của quá trình sản xuất từ nhập nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất, xuất kho. Công nghệ sản xuất thông minh được ứng dụng trong mô hình nhà máy thông minh đều là những phát minh nổi bật của cuộc cách mạng số hóa, chính vì vậy, giải pháp điều hành sản xuất được đánh giá là bước tiến vượt bậc đóng góp nhiều cho quá trình triển khai số hóa doanh nghiệp.

Nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, quá trình sản xuất trong nhà máy thông minh được thực hiện gần như tự động hóa hoàn toàn. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ hạn chế được những nguy cơ khiến hoạt động sản xuất trì trệ như: thiếu lao động, nghỉ lễ, nghỉ ốm, nghỉ đột xuất hoặc các vấn đề về an toàn lao động,...

Bên cạnh đó, khi vận hành sản xuất trên nền tảng máy móc tự động, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa khoảng thời gian “chết”. Khác so với con người, máy móc có thể được lập trình hoạt động 24/7 mà không cần phải nghỉ ngơi điều này giúp doanh nghiệp gia tăng sản lượng, tinh giản quá trình sản xuất và giúp giảm chi phí. Con người được giải phóng khỏi quy trình sản xuất “chân tay”, các nhân viên sẽ được thực hiện nhiều hơn các công việc phân tích dữ liệu, cải tiến hoạt động sản xuất hoặc nghiên cứu các giải pháp nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Khó khăn của doanh nghiệp Việt

Theo một nghiên cứu đã được công bố, giá trị đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp cho lĩnh vực nhà máy thông minh được dự đoán là khoảng 229 tỉ USD vào năm 2027, tương ứng mức tăng trưởng bình quân năm là 18,5%.

Được coi là một trong những công xưởng của khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã sớm bắt kịp với xu hướng chuyển đổi sang sản xuất thông minh. Tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital cho biết: " Một trong những trở ngại khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình triển khai nhà máy thông minh là tâm lý còn dựa khá nhiều vào lượng nhân công dồi dào với chi phí không quá cao. Mục tiêu của nhà máy thông minh là xây dựng môi trường làm việc hài hòa giữa con người và máy móc, nhất là những khâu mà con người có thể tránh được những công việc vất vả, nặng nhọc và nguy hiểm...

Những doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng nhà máy thông minh thuộc ngành có nhu cầu quản lý phức tạp, làm ra những sản phẩm có giá trị cao hoặc đòi hỏi quy chuẩn về chất lượng cao. Về cơ bản, các doanh nghiệp này thường có một nền tảng nhất định về khả năng tự động hóa và đã có kinh nghiệm triển khai thành công một số ứng dụng quản trị thông minh như e-Office, ERP. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác thường đầu tư chưa mang lại được hiệu quả cao, bởi vẫn còn sự rời rạc và thiếu liên kết trong các khâu vận hành". Ông Lĩnh nói.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam còn khá dè dặt trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất. Nhiều người suy nghĩ mô hình này chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vấn có thể đặt mục tiêu xây dựng hệ thống nhà máy thông minh để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh. Có thể thấy, trọng tâm của việc triển khai giải pháp tự động hóa nhà máy sản xuất thành công không nằm ở quy mô doanh nghiệp mà là lựa chọn phương thức phù hợp.

Cần có những giải pháp tiếp cận phù hợp

Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital, đã khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cần một cách tiếp cận bài bản, có hệ thống, bắt đầu từ định hướng, mong muốn và chiến lược của từng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong bối cảnh có sự đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xác định lĩnh vực muốn ưu tiên tập trung, ưu tiên thực hiện trước để tạo những tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital.

Bản thân doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhận rõ từng giai đoạn, ứng dụng công nghệ, làm thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất, tác động đến nhiều nhân sự trong nhà máy thông minh, để cách vận hành của họ được thông minh hơn, và cải thiện hiệu quả kinh doanh, về mặt chi phí và nguồn lực.

Tiếp đó, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện là kết nối giữa thực trạng doanh nghiệp và mong muốn tương lai bằng một chiến lược kinh doanh phù hợp, giúp doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu nhanh và hiệu quả nhất. Sau khi đã có sự liên kết giữa hiện trạng và tương lai, doanh nghiệp cần đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể: làm thế nào để hướng đến nhà máy thông minh, chia rõ mức độ ảnh hưởng, đo lường được lợi ích, kết quả mang lại từ việc đầu tư trong từng giai đoạn, ông Lĩnh cho biết.

Theo Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc Phần mềm công nghiệp số - Siemens Việt Nam, chuyển đổi số là cách duy nhất để giúp nhà máy có được 4 khả năng công nghệ cốt lõi, trở thành nhà máy thông minh. 4 công nghệ đó bao gồm: Tính kết nối (connectivity): Nhà máy thông minh trước hết cần đảm bảo được tính kết nối tất cả các yếu tố trong phạm vi nhà máy, từ máy móc thiết bị, con người đến các tác nhân tham gia vào quy trình sản xuất; Tính thích ứng (adaptability): Trong bối cảnh thị trường, khách hàng và sản phẩm luôn thay đổi và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, nhà máy thông minh phải có khả năng thích ứng được với sự thay đổi đó trong thời gian ngắn nhất, với chi phí thấp nhất; Tính tiên liệu (preditability): Khả năng tiên liệu giúp chúng ta quản lý và theo dõi một cách chủ động các nguồn lực, máy móc thiết bị để đảm bảo vận hành một cách trơn tru, liên tục, hạn chế tối thiểu khả năng xảy ra lỗi; Tính mở rộng (expandability): Cũng giống như máy móc cần được bảo hành để đảm bảo vận hành liên tục, nhà máy thông minh cần có khả năng mở rộng với quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng.

Nhà máy thông minh có thể đáp ứng được các thông tin về vòng đời sản phẩm để có thể cập nhật thời gian, khi thị trường đang thay đổi và đòi hỏi tốc độ đáp ứng của sản phẩm phải được tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp sẽ cần phải nhìn nhận rõ từng giai đoạn một, từng công nghệ như AI, Blockchain...sẽ được ứng dụng như nào để mang lại hiệu quả cao nhất, được nhiều bộ phận nhân sự áp dụng nhất. Từ đó, doanh nghiệp có thể vận hành thông minh hơn, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, chi phí, nguồn lực, đầu tư... đồng thời tạo ra nhiều giá trị mới với năng lực cạnh tranh cao nhất.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024