ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 11h00 12/11/2024

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu trong khai thác và chế biến khoáng sản

(KDPT) - Kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng đối với khai thác và chế biến khoáng sản. Đây là lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt để có thể tối ưu nguồn lợi khoáng sản nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề "Mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

GS Trần Nghi - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Phó Chủ tịch Tổng Hội Địa chất Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn là để khẳng định tri thức của một người quản lý. Khai thác khoáng sản bao giờ cũng có “cái đuôi” là phần phế thải. Do đó, đây là lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt để có thể tối ưu nguồn lợi khoáng sản nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận mới nhằm thay đổi cách tiếp cận trước đây dạng mô hình kinh tế tuyến tính, hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, từ các chủ trương lớn của Đảng cần được thực hiện thông qua các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch trong phát triển các ngành, vùng và địa phương.

Việc xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch ngành kinh tế đối với mô hình kinh tế tuần hoàn đến nay đã có chủ trương định hướng của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, trong các quy hoạch ngành đã có cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có sự lồng ghép kinh tế tuần hoàn. Triển khai thực hiện có căn cứ pháp luật tại điều 142 Luật BVMT2020, cụ thể hóa bằng Nghị định 08/2022/NĐ-CP và đề án của Chính phủ. 

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu trong khai thác và chế biến khoáng sản - ảnh 1

Kinh tế tuần hoàn cho các ngành kinh tế, dự kiến có 9 ngành, lĩnh vực sẽ được thực hiện sau khi ban hành khung kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn. Mặc dù vậy triển khai thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành kinh tế vẫn đã và đang thực hiện dựa vào các Chiến lược và kế hoạch đã có, quan trọng hơn đó là hiệu quả kinh tế do thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại trong thực tiễn. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách để triển khai sẽ phải được tháo gỡ sớm.

Đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác bô-xít và sản xuất alumin

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường đã có tham luận trình bày quy trình khai thác và sản xuất alumina từ quặng bô-xít đá ong tại nhà máy của Tập đoàn TKV tại Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đăk Nông; cũng như quá trình xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. 

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường chia sẻ giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường chia sẻ giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn

Trên cơ sở đó, PGS.TS Lưu Đức Hải đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác bô-xít và sản xuất alumin theo hướng phục hồi đất sau khai thác mỏ, tận dụng bùn đỏ và tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng. PGS.TS Lưu Đức Hải cũng phân tích lợi ích và giải pháp triển khai mô hình vào thực tế sản xuất ở Tây Nguyên Việt Nam nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, đối với các nhà đầu tư khai thác và chế biến bô-xít như hiện nay; các lợi ích kinh tế khi áp dụng kinh tế tuần hoàn có thể thấy gồm: giảm chi phí đầu tư các hồ chứa chất thải (bùn đỏ và bùn đuôi quặng); giảm chi phí kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ chất thải; giảm chi phí phục hồi và quản lý các khai trường sau khai thác. 

Lấy tổ hợp nhôm TKV - Lâm Đồng công suất sản xuất 650.000 tấn alumin/năm làm ví dụ: Giảm chi phí xây hồ bùn đỏ hàng năm 200 tỷ VNĐ, giảm chi phí đền bù đất để xây hồ chứa bùn đuôi quặng, giảm các chi phí kiểm soát ô nhiễm chất thải từ hồ bùn đỏ và bùn đuôi quặng, giảm các chi phí phục hồi moong, trồng và chăm sóc cây keo sau khi phục hồi. Trong khi có thể thu hồi một phần vốn từ việc chuyên giao quyền sử dụng đất moong sau khai thác.

Đối với chính quyền địa phương, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giảm sức ép đối với việc thu hồi đất và các xung đột môi trường có thể xẩy ra của những người dân bị thu hồi đất với nhà đầu tư và chính quyền. Đồng thời, có các cơ hội để hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao trên các vùng đất trên các moong sau phục hồi.

Đối với người dân địa phương vùng chứa quặng bô xít, đất đai phục hồi trên các moong sau khai thác sẽ không làm cho họ mất đất canh tác. Sự phát triển quy mô khai thác và phân phối lại lợi ích kinh tế từ việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến bauxite, như gia tăng việc làm, gia tăng dịch vụ xã hội có tác động tích cực tới việc nâng cao cuộc sống của người dân địa phương.

Do nguồn gây ô nhiễm đã được điểm soát, cảnh quan môi trường khu vực khai thác được phục hồi; các chi phí bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm sẽ được giảm nhẹ trong khi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí, chất thải rắn) được duy trì ổn định.

Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực địa chất, kinh tế, môi trường; các nhà hoạch định chính sách cùng gần 100 đại biểu trong nhiều lĩnh vực liên quan. Mục tiêu Hội thảo nhằm đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ cơ sở khoa học cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/12/2024