ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 14h22 18/07/2020

Chuyện dưới tán rừng Xuân Lộc: 30 năm “quả vẫn trên cây”

Cây do chính tay mình vun trồng chăm bẵm từ hơn 30 năm qua nhưng lại không được hưởng thành quả. Người dân kêu khổ, Ban Quản lý lâm trường “cảm thông” nhưng không biết xử lý ra sao do vướng các quy định “chồng chéo” của Nhà nước về quản lý rừng. Đó là câu chuyện của gần 100 hộ dân tại ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Lối vào ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

30 năm “quả vẫn ở trên cây”

Theo những người lớn tuổi, những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vì cuộc sống mưu sinh mà gần 20 hộ gia đình từ những địa phương khác nhau đã cùng đến đây (trước vốn là một khu rừng rộng lớn bị tàn phá bởi chiến tranh) để khai hoang phát triển kinh tế, đa phần họ là những người dân tộc thiểu số từ tỉnh Quảng Ninh vào lập nghiệp. Chính vì toàn những người dân tộc thiểu số di cư mà nơi đây được gọi là làng Mán hay làng Tàu, nay là ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Ông Lý Văn Long, ngụ tại tổ 4, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc cho biết, để được những vườn tiêu, vườn cây ăn trái bên cạnh hay dưới những tán cây sao, cây dầu,… như hiện nay, thì từ những năm 1987, gia đình ông và 17 hộ dân đã phải trải qua quá trình khai hoang cực nhọc để trồng và chăm sóc cây.

Ông Lý Văn Ban, một người hàng xóm của ông Long thì cho hay, bản thân là một trong những gia đình đầu tiên vào vùng đất này khai hoang từ đầu năm 1987. Nhưng khoảng 3 tháng sau, bên Lâm trường Xuân Lộc – nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Xuân Lộc (thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cử người đại diện là ông Vương Mạnh Thế (Phó Giám đốc) ký Hợp đồng “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với người đại diện của 18 hộ dân là ông Nguyễn Văn Dũng.

Hiện nay, khu vực hơn 200ha do 18 hộ gia đình tham gia thực hiện hợp đồng ký Hợp đồng “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với Lâm trường đã trở thành một phần khu vực ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc với những vườn cây có múi, vườn tiêu xanh tốt dưới tán lá của những cây sao, cây dầu hơn 30 năm tuổi.

Vợ chồng ông Trần Văn Phá và bà Nguyễn Thị Dung (1 trong 18 hộ dân cử đại diện ký hợp đồng giao khoán với Lâm trường Xuân Lộc) cho hay, sau khi hai bên ký hợp tác, người dân đã một sương hai nắng cực khổ gắng vay mượn, mua cây giống về trồng, đào ao, tưới nước, phân bón, chăm cây,… Đến năm 1994 thì gia đình ông bà có ký lại với Lâm trường Xuân Lộc thêm một hợp đồng nữa với nội dung là “sử dụng đất để sản xuất lâm nông nghiệp” trên chính mảnh đất đã ký với lâm trường vào năm 1987 và đóng đầy đủ các loại thuế theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay, gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác muốn khai thác cây mình trồng nhưng không được.

Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Phúc, sinh năm 1953, cũng vậy khi ông cùng gia đình nhận sang nhượng một phần đất trong diện tích “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” thì cán bộ Lâm trường Xuân Lộc cho ông được phép thực hiện việc sang nhượng trên. Ngoài ra, hàng năm ông cũng thực hiện đóng các khoản thuế áp dụng cho diện tích đất do ông sang nhượng cho Lâm trường Xuân Lộc, nhưng khi khai thác cây trên đất thì bị Lâm trường Xuân Lộc ngăn cản.

Ông Phúc bức xúc “Ban đầu bảo rằng là bà con tự trồng tự hưởng, nhưng sau 32 năm chúng tôi trồng rồi thì đến ngày hưởng không cho tôi khai khác. Tài sản của chúng tôi trồng mà lâm trường muốn lấy làm rừng phòng hộ thì ít nhất phải thông qua người nông dân, thông qua người trồng cây.

BQL rừng “than trời” vì “mắc” nhiều quy định

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, đại diện BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, những phản ánh và thắc mắc của các hộ dân tại làng Mán thuộc ấp Gia Ui đều đúng với thực tế đang diễn ra trên địa bàn rừng do BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý (do một phần khu vực này thuộc tiểu khu 204 và 205, phân trường Trản Táo). Tuy nhiên, bản thân họ cũng “gặp khó” vì vướng nhiều quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng.

BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: Phản ánh và thắc mắc của các hộ dân tại làng Mán đều đúng với thực tế và đang diễn ra trên địa bàn.

Vào năm 1987, Lâm trường có hợp đồng liên kết với những hộ dân này trồng cà phê, tiêu dưới tán rừng gỗ lớn (Dầu, Sao) với diện tích khoảng 65ha, sau đó tăng dần lên cả về số hộ và diện tích, đến nay có 72 hộ với khoảng 415 nhân khẩu canh tác trên diện tích hơn 285ha tập trung. Diện tích có rừng hiện nay là 281ha, phần lớn cây rừng được trồng trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1994 theo mô hình nông – lâm kết hợp, mật độ cây rừng hiện còn trung bình 42 cây/ha. Hầu hết các hộ dân đều sinh sống tại chỗ ngay trên diện tích canh tác và nguồn thu nhập chính của các hộ từ sản phẩm nông nghiệp trên đất.

Sau đó, từ năm 1992 đến nay, thực hiện theo Quyết định 327/CT ngày 15/9/1992 và Nghị định 02/CP ngày 15/01/1994 (khoản 3, Điều 12), Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995, Nghị định 135/2005/NĐ-CP về giao khoán áp dụng cho vùng quy hoạch sản xuất, Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 31/01/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thu hồi đất của BQL RPH Xuân Lộc,…. Lâm trường tổ chức thực hiện lập hợp đồng sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ canh tác trên lâm phận trong đó có chuyến đổi từ nhóm hộ sang giao khoán cho hộ gia đình đối với các hộ nêu trên. Bên cạnh đại đa số các hộ đồng ý chuyển đổi sang hợp đồng mới thì một số hộ còn lại không thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng mới mà giữ lại hợp đồng sử dụng đất năm 1994 do không đồng tình với từ “giao khoán”.

Ngoài ra, năm 2009 Lâm trường có quy hoạch 3 loại rừng theo quy định của Nhà nước thì việc xác định chức năng phòng hộ hay sản xuất của rừng được căn cứ vào loại cây trồng rừng (trong đó những diện tích rừng trồng thuần cây gỗ lớn hoặc hỗn giao cây gỗ lớn với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được xác định rừng có chức năng phòng hộ). Đặc biệt, từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019 thì toàn bộ diện tích rừng khu vực này không đủ điều kiện để được khai thác nên tình trạng vi phạm về khai thác rừng của người dân tại đây gia tăng (trước năm 2019 xảy ra 16 vụ vi phạm, từ 2019 đến nay xảy ra 23 vụ vi phạm).

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL RPH Xuân Lộc cho biết, từ năm 2005 đến năm đến nay, các hộ dân làng Mán nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, đề nghị cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên diện tích nhận khoán với Lâm trường. Lâm trường đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, sau đó UBND các cấp cùng các sở, ban ngành đã làm việc với với các hộ dân trong hợp đồng năm 1987 tại Làng Mán và trả lời việc kiến nghị cấp GCNQSDĐ của các hộ không có cơ sở giải quyết.

Người dân bức xúc cho biết: “Ban đầu bảo là bà con tự trồng tự hưởng, nhưng sau 32 năm chúng tôi trồng rồi thì đến ngày hưởng không cho khai khác.

Do vướng phải nhiều văn bản Nhà nước ban hành về việc bảo vệ và khai thác rừng nên nguyện vọng khai thác số lượng cây sao, cây dầu do các hộ dân này trồng từ những năm 1988 đến năm 1994 thì BQL RPH Xuân Lộc đã đề xuất UBND các cấp cùng các sở, ban ngành và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Chính phủ và Bộ Nông nghiệp nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các vướng mắc, bất cập nêu trên để bà con được hưởng những thành quả đã chăm sóc từ hơn 30 năm qua như cho chuyển đổi diện tích khu vực này (có thể làm theo từng bước) từ rừng phòng hộ ít xung yếu sáng từng sản xuất hoặc chưa chuyển đổi sang rừng sản xuất trong kỳ quy hoạch được thì có cơ chế đặc thù để bố trí sản xuất trong khu vực này.

Được biết, tháng 4/2020, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng huyện Xuân Lộc và BQL rừng Xuân Lộc về việc Đề xuất thành lập Khu bảo tồn rừng huyện Xuân Lộc – Đồng Nai. Trong đó, sẽ tổng hợp và kiến nghị Trung ương nhằm kịp thời hướng dẫn giải quyết đối với một số quy định mới về trồng và khai thác rừng phòng hộ gây khó khăn cho chủ rừng và người nhận giao khoán rừng. Tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức đối thoại và lập đoàn công tác với sự tham gia của nhiều Sở, ban, ngành nhằm gỡ khó cho người dân đặc biệt là những thắc mắc của hơn 100 hộ tại ấp Gia Ui.

Hi vọng trong thời gian tới, câu chuyện “trồng cây 30 năm chưa được hái quả” sẽ có cái kết đẹp. Để cho lợi ích của người dân và nhà nước không bị xung đột. Cho những cánh rừng ở Xuân Lộc lại càng thêm xanh tươi.

HÀ THÀNH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024