Có bài ca dưới trời xanh Hà Tĩnh
>>> AHLĐ, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp: “Chiến mã” chưa khi nào ngừng lại
>>> Khởi nghiệp theo tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trời Hà Tĩnh xanh lắm những ngày chớm hạ. Đoàn chúng tôi gồm doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, tạm rời xe riêng để ngồi cùng nhau trên chiếc ô tô lớn. Trên đường đi, mọi câu chuyện vẫn xoay quanh việc làm ăn, đầu tư với những lo lắng về thuế, bảo hiểm, vốn… Ít ai để ý đến cảnh quan hai bên đường. Có lẽ chúng quá bình thường so với nhiều chuyến du ngoạn của những vị giám đốc, chủ tịch doanh nghiệp trên xe.
Điểm đến hiện lên trước mắt chúng tôi với một khung chữ bình dị, cũ kĩ: “Ngã ba Đồng Lộc”. Bước vào căn phòng hội trường để xem những thước phim lịch sử về địa chỉ đỏ này, chúng tôi không biết rằng từ giây phút này, cảm xúc của chúng tôi bị xáo trộn tất cả.
Có lẽ cơm ngon, áo đẹp, những đèn màu lấp lánh và bao lo toan thời hiện đại đã làm chúng tôi quên sạch những câu chuyện lịch sử. Để bây giờ, tận mắt nhìn những hình ảnh bom đạn cày xới mảnh đất khúc ruột miền Trung, tận mắt nhìn thấy những mất mát hi sinh của bao người anh người chị, tận mắt nhìn thấy gương mặt nhăn nheo cùng đôi mắt lõm sâu đau đáu đợi con về của những người mẹ… ai cũng như nhìn thấy lần đầu cảm nhận được sự khốc liệt, đau đớn của chiến tranh.
Ngã ba Đồng Lộc có vị trí vô cùng quan trọng trên tuyến đường Bắc – Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chính vì điều đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ tuổi từ 17 đến 24 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc, chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Bình thường, tiểu đội hoạt động về đêm để lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày. Với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Gửi thư về cho mẹ, chị Võ Thị Tần viết: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.
Ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua.
Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã 3 lần các cô bị vùi lấp nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc.
16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm – nơi 10 cô gái của tiểu đội 4, Đại đội 552 đang tránh bom.
Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.
Các chị đã vĩnh viễn nằm tại ngã ba huyết mạch Bắc – Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống.
Các chị kính yêu!
Đặt lên mộ các chị những chiếc nón, những trái bồ kết, những chiếc lược… lòng chúng tôi nghẹn ngào khôn xiết! Các chị đã dành trọn thanh xuân cho con đường huyết mạch trong cuộc chiến tranh chống đế quốc vĩ đại của dân tộc. Bom đạn quân thù rắp tâm chôn vùi hình hài của các chị nhưng chúng có ngờ đâu các chị lại tạo nên tượng đài bất khuất, giục giã và cổ vũ triệu triệu trái tim Việt Nam yêu nước. Sức mạnh ấy không chỉ bừng bừng khí thế trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước mà còn chói sáng đến tận hôm nay. Đứng trước những mộ phần tinh khôi sắc cúc trắng, chúng tôi – thân nam nhi sức dài vai rộng, có vị thế doanh nhân cả xã hội ngợi ca – lại thấy mình bé nhỏ biết bao! Bao khó khăn mình đang gặp phải có là gì so với sự khốc liệt của cuộc chiến sinh tử mà các chị đã trải qua?!
Các chị kính yêu!
Máu thịt của Tổ quốc các chị đã giữ gìn, các chị đã “hoá thân cho dáng hình xứ sở” để “làm nên đất nước muôn đời” (Chế Lan Viên). Chúng tôi hôm nay, nguyện mang tài hèn sức mọn, mỗi người một nốt nhạc, một nhành hoa góp phần vào bài ca mùa xuân phát triển của đất nước.
Con đường chúng tôi trở về Thủ đô, trời Hà Tĩnh vẫn xanh màu xanh hoà bình. Đoàn doanh nhân trầm lắng, ít tiếng chuyện trò. Nhưng tôi biết, lòng ai cũng đang ngân lên những nốt nhạc thiết tha: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/Ta nhập vào hoà ca/Một nốt trầm xao xuyến… Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc…” (Thanh Hải).
Minh Hải