Cơ chế một cửa quốc gia: Quyết tâm về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ
Lần đầu tiên một hội nghị toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/7/2018. Hội nghị này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thể hiện quyết tâm về cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trả lời trên báo Đầu tư, NSW là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
Với NSW, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực trong chuẩn bị hồ sơ, đi lại để hoàn thành thủ tục cấp phép và thông quan hàng hóa, do hồ sơ, chứng từ được điện tử hóa, doanh nghiệp chỉ cần gửi hồ sơ điện tử đến NSW là đã có thể hoàn thành việc cấp phép và thủ tục thông quan hàng hóa.
Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến xuất nhập khẩu được điện tử hóa và được NSW lưu lại toàn bộ thông tin cũng như ngày, giờ mà doanh nghiệp gửi đến. Các thông tin liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính được công bố trên NSW nên tăng được tính minh bạch trong quá trình doanh nghiệp làm thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu.
Các thủ tục cấp phép, thông quan hàng hóa được thực hiện trong môi trường điện tử, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, cộng với việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính trên NSW sẽ giảm tối đa tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ chế một cửa quốc gia chính thức được triển khai từ tháng 11/2014 với các thủ tục ban đầu gồm 1 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công Thương và 3 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ GTVT chủ trì. Đến nay cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 11 bộ, ngành với 53 thủ tục hành chính với nhiều kết quả tích cực như các vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản được giải quyết, nhận thức về thuận lợi thương mại được nâng lên. Tính đến ngày 1/6/2018 đã có 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ ATIGA C/O mẫu D với Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Tuy nhiên như Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc mới có 53/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia là còn thấp. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 19,4%, hiệu lực kiểm tra chuyên ngành còn thấp, phí kiểm tra một số mặt hàng nhập khẩu còn cao.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu rất cao là đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. Hoàn thiện về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. Đặc biệt năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, giảm số lô hàng nhập khẩu (tính theo tờ khai hải quan) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn dưới 10%.
Được biết sau hội nghị trên cơ sở căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ, sẽ ban hành hai văn bản gồm Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Có thể nói đây là hai “sản phẩm” được Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn, tạo bước ngoặt trong việc tăng cường về lượng và thay đổi cơ bản về chất với công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. “Đây cũng là kênh tạo “áp lực” các bộ, ngành cùng đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói.
Hữu Minh (tổng hợp)