ISSN-2815-5823
Thứ hai, 02h24 21/12/2020

Công nghiệp chế biến, chế tạo: Tìm hướng đi bền vững

(KDPT) – Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây; tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra còn thấp. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh, hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

“Đầu kéo” tăng trưởng kinh tế

Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi (từ tháng 8/2020) đã tạo thêm động lực cho các hoạt động của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao (11,9%) so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) – phân tích, trong bối cảnh nhiều nước có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thế giới nhưng đều gặp khó khăn, Việt Nam là một điểm sáng, kinh tế tăng trưởng dương. Tăng trưởng dương của Việt Nam dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như: Chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ôtô… Bên cạnh đó, chế biến nông sản, gia công may mặc… dù không đạt mức tăng trưởng như những giai đoạn trước nhưng kết quả cũng đáng ghi nhận.

Phân tích kỹ hơn, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2019, riêng ngành công nghiệp đã đóng góp 30% GDP, là nhóm ngành đóng góp về ngân sách lớn nhất. Cơ cấu nhóm ngành có sự thay đổi rất tích cực. Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, tránh phụ thuộc vào ngành khai khoáng. Nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, có giá trị xuất khẩu đứng “top” trong khu vực và thế giới như: Điện tử, dệt may, da giày…

Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng

Tập trung hoàn thiện chính sách

Để thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Cục Công nghiệp luôn chủ động phối hợp với các tập đoàn và DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh như Samsung, Toyota, kết nối với DN trong nước để đôi bên gặp gỡ nhau…

“Cục đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các DN công nghiệp nói chung, DN công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo nói riêng. Cụ thể, triển khai các nội dung tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, nội dung rất quan trọng là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các DN công nghiệp hỗ trợ cũng như DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo” – ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như: Công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…; tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

    • Bộ Công Thương đang tập trung vào một số giải pháp nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh để đưa công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

LAN ANH

Theo link gốc: https://congthuong.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-tim-huong-di-ben-vung-149496.html

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024