Ảnh minh họa, nguồn internet.

Phó Thủ tướng khẳng định, công nghiệp hỗ trợ hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển. “Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giầy, thời trang, ô tô,…”, Phó Thủ tướng nói.

Mục tiêu của chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

“Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở coi trọng thị trường trong nước nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu làm mục tiêu phát triển; coi DN giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Việc tôi thay mặt Thủ tướng dự sự kiện này là khẳng định thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nâng cao năng lực của DN trong nước”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia lớn, việc đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ chuyên gia tư vấn tại Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt và quan trọng.

Việc Bộ Công Thương và Tổ hợp Samsung Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng được xem là giải pháp để khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN hỗ trợ phát triển. Theo đó, chương trình sẽ được diễn ra tại Việt Nam trong vòng 2 năm (2018, 2019) với 8 khóa học, trong đó mỗi khóa học sẽ đào tạo 25 học viên trong 12 tuần liên tục. Samsung sẽ đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam có đủ năng lực để có thể hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho các DN công nghệ thông tin Việt Nam thực hiện cải tiến sản xuất và chất lượng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Duy Khánh (tổng hợp)