ISSN-2815-5823

Cứu du lịch Đà Nẵng để vực dậy du lịch miền Trung

(KDPT) – “Là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của thành phố Đà Nẵng, du lịch thiệt hại kéo theo các ngành liên quan cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Sau toạ đàm này, thành phố sẽ có những giải pháp thiết thực, triển khai hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, từng bước khôi phục hoạt động du lịch”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng nhấn mạnh tại toạ đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”.

Toạ đàm thể hiện quyết tâm của Thành phố Đà Nẵng trong khôi phục và phát triển du lịch sau dịch trong trạng thái bình thường mới

Toạ đàm do Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức tại khách sạn Danang Golden Bay, ngày 1.4, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng.

Du lịch rơi thẳng đứng

Để có những giải pháp thiết thực, sát với thực tế nhất, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch hồi phục, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng đã thực hiện 2 cuộc khảo sát về thực trạng của các doanh nghiệp, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp, kiến nghị giải pháp hỗ trợ từ doanh nghiệp. Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Vietnam Travel Mart: “Qua khảo sát mới đây với 117 doanh nghiệp du lịch, tập trung vào các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành, vận chuyển thì chỉ có hơn 50% doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. Các khách sạn chủ yếu 4-5 sao mở cửa hoạt động; các khách sạn 3 sao trở xuống không có điểm rơi, không có khách, đóng cửa hàng loạt và một số đang rao bán. Toàn thành phố có 52.000 lao động trực tiếp thì đến nay đã có 45.000 lao động mất việc, các doanh nghiệp chỉ giữ lại hoạt động chủ chốt; doanh nghiệp không còn nguồn lực tài chính, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã tiếp cận hết rồi. Khoảng 80% doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng giảm doanh thu từ 70- 100%; 30% doanh nghiệp sẽ hết nguồn tài chính để duy trì hoạt động cho đến hết năm 2021. Một bức tranh toàn gam u ám vẫn bao trùm. Lo ngại lớn nhất là dịch bùng phát trở lại. Mỗi lần tái dịch, ngành Du lịch lại làm lại từ đầu. Và nếu như không có ngay các biện pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thì khó để hồi phục”

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các sở, ngành, địa phương của Thành phố hỗ trợ hết sức để doanh nghiệp hoạt động trở lại và giúp du lịch phục hồi

Đà Nẵng trong mùa dịch đã có những lúc chứng minh một năng lực, một sức hút diệu kỳ của điểm đến. Đó thời điểm tháng 5-7.2020, khi dịch Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh, mỗi ngày thành phố vẫn đón 80 chuyến bay nhưng cuối tháng 7.2020, dịch bùng phát ở Đà Nẵng, ngành Du lịch thành phố đã rơi vào khủng hoảng nặng nề. Đến nay, Đà Nẵng một lần nữa phải bắt đầu lại.

Năm 2020, toàn thế giới giảm 1 tỉ khách và thất thu 1.100 tỉ đô la Mỹ. Ở Việt Nam, cũng là một năm khủng hoảng với ngành Du lịch. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết: “Các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỉ đồng, giảm 54% so với năm 2019. Đã có trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương”.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết ngành Du lịch đã nhiều lần đề xuất Chính phủ các chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 80% tiền ký quỹ, điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú bằng với giá điện sản xuất, giảm thuế VAT xuống 5%, giảm tiền thuế đất, triển khai gói bảo hiểm du lịch…

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết ngành Du lịch đã nhiều lần đề xuất Chính phủ các chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 80% tiền ký quỹ, điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú bằng với giá điện sản xuất, giảm thuế VAT xuống 5%, giảm tiền thuế đất, triển khai gói bảo hiểm du lịch…

Trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế tiếp tục bị gián đoạn và dự kiến trở lại bình thường vào năm 2023 (theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế- IATA), ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu du lịch sụt giảm do tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, thu nhập sụt giảm, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, khủng hoảng nguồn nhân lực ở thị trường du lịch khi tỉ lệ cắt giảm nhân sự toàn ngành tăng cao dẫn tới sụt giảm trong nguồn cung lao động đặc biệt là lao động chất lượng cao; vấn đề cạnh tranh điểm đến, cạnh tranh nguồn khách sau khi nhu cầu du lịch toàn cầu phục hồi.

Làm thật chứ không chỉ nói suông

Trong khi doanh nghiệp du lịch vô cùng khó khăn vì những ảnh hưởng từ đại dịch nhưng các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng vẫn đoàn kết, quyết tâm khôi phục hoạt động du lịch, đóng góp thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng từ nguồn xã hội hoá đầu tiên để quảng bá, xúc tiến du lịch. Việc tìm cách để cứu du lịch Đà Nẵng lúc này là vô cùng cần thiết. Cứu du lịch Đà Nẵng cũng có nghĩa sẽ vực dậy du lịch của khu vực miền Trung.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng cho biết: 80% doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng giảm doanh thu từ 70- 100%

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, đánh giá cao việc Quỹ xúc tiến phát triển du lịch và Sở Du lịch thành phố tổ chức toạ đàm này, thể hiện sự quyết tâm của Đà Nẵng trong việc đưa ra biện pháp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, từng bước khôi phục hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Văn Quảng cũng chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng và khẳng định đây không phải khó khăn riêng của Đà Nẵng mà của cả Việt Nam và thế giới. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp còn được sự ủng hộ của chính quyền, các tổ chức hỗ trợ trong việc hoạt động trở lại và hồi phục. Rõ ràng, sự đóng góp của ngành Du lịch trong sự tăng trưởng của thành phố nhiều năm qua đã được thể hiện trong những đóng góp cho nền kinh tế của thành phố. Vì thế, thiệt hại của ngành Du lịch cũng khiến nhiều lĩnh vực có liên quan, thành phố và người dân bị ảnh hưởng lớn.

Bí thư Nguyễn Văn Quảng đề nghị các đơn vị chức năng của thành phố phải trả lời bằng văn bản về những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp du lịch. Sở Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất 10 giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch là rất hay nhưng khi tổ chức triển khai phải đạt hiệu quả. Các ngành liên quan cần hỗ trợ hết sức để thực hiện các đề xuất này, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và cho du lịch hồi phục. Thành phố cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng nguồn lực đầu tư công để khôi phục phát triển du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để phục hồi du lịch Thành phố

Sắp tới, Đà Nẵng sẽ đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch ban đêm, mở cửa dịch vụ du lịch đến 3h sáng, đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm; chỉnh trang lại toàn bộ 2 bên bờ sông Hàn, nổi bật là hệ thống ánh sáng hiện đại; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực vào các dự án du lịch… Thành phố cũng ưu tiên phát triển các hạ tầng liên quan để tạo thuận lợi và sản phẩm mới cho du lịch như khai thác phố đi bộ Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, bãi biển; cải tạo để làm điểm check in ở cầu Nguyễn Văn Trỗi. Sắp tới Đà Nẵng sẽ khai thác sản phẩm du lịch mới là thuyền buồm trên sông Hàn, dự kiến tháng 6.2021 tổ chức giải đua thuyền buồm, mỗi thuyền là một địa danh của Đà Nẵng để quảng bá cho thành phố. Liên hiệp hội văn học nghệ thuật thành phố cũng đề nghị mở cuộc thi ảnh đẹp về Đà Nẵng dành cho du khách, giải thưởng là các kỳ nghỉ dưỡng trọn gói tại Đà Nẵng nhằm thu hút khách quay trở lại. Thành phố đồng ý việc đăng cai tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế tại Đà Nẵng và cần làm sớm, ngay trong Quý 2 hoặc Quý 3 năm nay. Lãnh đạo thành phố khuyến khích sớm triển khai sàn giao dịch du lịch trực tuyến và đề nghị các doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm trong nhiệm vụ này.

Đại diện các sở, ngành, địa phương của Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục du lịch

Gửi câu hỏi đến Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng trong việc làm gì để cứu mình, ông Nguyễn Văn Quảng nói: “Tự chúng ta làm gì để tồn tại khi chỉ chính mình mới cứu được mình và dịch bệnh thì không chừa một ai? Chưa doanh nghiệp nào đề xuất tôi sẽ làm để tự vươn lên cả”. Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng mong muốn các doanh nghiệp phải suy nghĩ để tự cứu mình, chủ động đổi mới, nắm bắt cơ hội. “Nếu vẫn tư duy, tiếp cận và làm theo cách truyền thống sẽ thất bại hoàn toàn. Và như thế sẽ rất lâu mới có thể quay lại thời kỳ hoàng kim như năm 2019. Vì thế, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Không có khách vẫn phải đào tạo nhân lực. Dù biết đào tạo xong chưa chắc lao động đã quay lại với doanh nghiệp lúc này nhưng có thể xã hội dùng được và luôn trong tâm thế sẵn sàng trở lại. Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực sẽ không thể chuyên nghiệp và sẽ mất uy tín”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Lãnh đạo các sở, ngành, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch thể hiện sự quyết tâm phục hồi du lịch thời gian tới

Ông Nguyễn Văn Quảng cũng mong rằng các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với thành phố trong việc đảm bảo phòng chống dịch. Doanh nghiệp du lịch thành phố gắn kết và hỗ trợ nhau, tránh cạnh tranh không lành mạnh như phản ánh mới đây của doanh nghiệp tại toạ đàm. Tự xung đột, không liên kết hỗ trợ nhau sẽ giống như những củ khoai tây khi đổ ra khỏi giỏ, mỗi củ lăn một hướng, là thất bại. Các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa tính chủ động, không chỉ trông chờ vào chính quyền và sở ngành. Tính chuyên nghiệp và sức mạnh hay không thể hiện ngay ở thời điểm này, khi chúng ta đang khó khăn nhất.

ANH VŨ; ảnh: THÀNH LONG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024