– Đa dạng loài là sự phong phú về các loài được tìm thấy trong các hệ sinh thái tại một vùng lãnh thổ xác định thông qua việc điều tra, kiểm kê.

– Đa dạng hệ sinh thái là sự phong phú về các kiểu hệ sinh thái khác nhau ở cạn cũng như ở nước tại một vùng nào đó. Hệ sinh thái là hệ thống bao gồm sinh vật và môi trường tác động lẫn nhau mà ở đó thực hiện vòng tuần hoàn vật chất, năng lượng và trao đổi thông tin.
– Đa dạng di truyền (Đa dạng gen) là sự phong phú những biến dị trong cấu trúc di truyền của các cá thể bên trong loài hoặc giữa các loài; những biến dị di truyền bên trong hoặc giữa các quần thể.

Xét về Đa dạng gen, đây là yếu tố rất quan trọng cho sự sống sót và phát triển của các loài sinh vật. Khi một loài có đa dạng gen, nó có thể thích nghi với các điều kiện môi trường khác nhau, chống lại các bệnh tật và tăng năng suất sinh sản. Điều này giúp loài đó sống sót và phát triển tốt hơn trong môi trường sống của mình. Tuy nhiên, đa dạng sinh học đang bị đe dọa do tác động của con người. Việc khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp, phá rừng, đốt cháy hầm mỏ và sử dụng thuốc trừ sâu… đã làm giảm đáng kể đa dạng sinh học trên Trái đất. Nhiều loài động vật và thực vật đã bị tuyệt chủng hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.

Sự đa dạng Hệ sinh thái tại KCN Nam Cầu Kiền

Xét tổng quan về Hệ sinh thái KCN Nam Cầu Kiền hiện có 17 tiểu hệ sinh thái chính thuộc 2 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa được tập trung nghiên cứu với số lượng 1.200 loài sinh vật. Hệ sinh thái trên cạn bao gồm (Vườn Ươm NCK, Vườn Hạnh Phúc, Vườn Bách thảo; Khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải, Sa hình chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu vườn lan tại Vườn Kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khuôn viên Cây Đa Tân trào, Góc Hà Lan, Hệ thống cây xanh cảnh quan, Hệ thống cây xanh cách li; Hệ thống cây xanh của các Doanh nghiệp…); Hệ sinh thái thuỷ sinh (Kênh thuỷ lợi chảy qua KCN; Hồ nước tại Khu Vườn Hạnh Phúc; Thác và suối cá Koi khuôn viên văn phòng; Hồ điều hoà; Hồ Cá Koi nước thải sau xử lý; hồ cảnh quan của các Doanh nghiệp,…)

Sự đa dạng di truyền (Đa dạng gen) và đa dạng loài

Đa dạng gen của phạm vi trước khi xây dựng công trình hạ tầng KCN, đất chủ yếu là nông nghiệp.

Đất nông nghiệp tại khu vực trồng cây thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu là cây lúa nước và các loại rau củ. Với điều kiện khắc nghiệt lạnh giá vào mùa đông, các loại giống lúa được lựa chọn có bộ rễ khoẻ, chịu lạnh và thời gian thu hoạch ngắn. Do đặc điểm tự nhiên, thời gian trồng lúa có 2 vụ chính, thời gian còn lại các hộ dân chủ yếu trồng các loại cây trồng khác hoặc tạm thời “bỏ hoang.” Đến thời điểm thu hoạch lúa, diện tích đất được chuyển đổi lựa chọn ưu tiên các loại rau củ thời vụ như cà chua, bắp cải, su hào, dưa leo, cải, bí, ngô, khoai... phù hợp theo từng thời tiết. Các loại cây trồng ở đây có rất nhiều loại gen, cho phép chúng thích nghi với các điều kiện môi trường khác nhau, chống lại sâu bệnh và tăng năng suất.

Đặc điểm khu vực đất khi trồng lúa nước trong thời kỳ sinh trưởng, môi trường đất luôn đảm bảo ngập nước cho cây lúa khoẻ hơn. Với đặc điểm tự nhiên và sự phát triển trồng trọt đã giúp các loài sinh vật cũng phát triển như các loài ốc, cá nhỏ, châu chấu, chuồn chuồn, chim, các loại côn trùng nhỏ sinh sống kiếm ăn và làm tổ một phần từ dòng nước tới và một phần phát triển sinh sôi tự nhiên. Đối với các thời điểm khác, cây lúa không cần nhiều nước, mặt đất gần như đạt độ ẩm vừa đủ, các loài như cá sẽ biến mất, một số loài thay đổi đặc tính như loài ốc sống dưới lớp bùn để đảm bảo cơ thể được giữ ẩm, một số loài phát triển mạnh hơn như các loài chuột, động vật gặm nhấm, thằn lằn...một số loài không chịu ảnh hưởng lớn như các côn trùng có hại và vô hại, các vi khuẩn, nấm.

Với điều kiện môi trường và sự phát triển của cánh đồng lúa nước và cây rau củ đã tạo nguồn thức ăn, nơi trú ngụ của các loài, đã tạo lên đầy đủ liên kết hệ sinh thái nhóm đất nông nghiệp.

Ngoài ra, khu vực đất trước khi chuyển đổi còn là đất thổ cư có đất vườn, đầm ao, kênh rạch… các loài sinh vật cũng phát triển rất mạnh mẽ. Do đất được sử dụng gắn bó lâu dài thường xuyên canh tác, hệ sinh thái ở đây khá ổn định với nhiều cây vòm cao sống lâu năm như phi lao, bạch đàn, cây tầm trung trồng các loại cây ăn quả, thuốc như vải, nhãn, na, đinh lăng…Đây là môi trường sống lý tưởng của các loài thú nhỏ sinh sống như các loài chim, bướm, các loài bò sát,…

Khu vực này hệ thống thuỷ sinh khá phát triển khi lợi thế gần hệ thống kênh rạch, người dân tận dụng lợi thế dòng nước xây dựng nhiều ao nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, với lượng nước được đảm bảo, được điều hoà bởi nguồn nước từ sông Cấm đã cung cấp đầy đủ hệ sinh thái thuỷ sinh của môi trường với các loại cá, tôm, cua, ốc, rêu, tảo, các loại thực vật thuỷ sinh, mặt nước, ...

Như vậy, các diện tích đất có các yếu tố đa dạng sinh học ở môi trường canh tác như các loại cây trồng ăn quả, lúa nước, các loài động vật cư trú như các loài chim, bướm, các loại sinh vật sống dưới nước, trong lòng đất, nấm, vi khuẩn, các kênh rạch nước tưới tiêu…Các loài sinh vật này cung cấp cho con người những điều kiện sống, cung cấp lương thực và hàng loạt những sản phẩm phi lương thực khác như: các nguyên vật liệu cho cuộc sống hàng ngày, thuốc chữa bệnh, tạo nguồn thu nhập,….

Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô hộ gia đình phát sinh nhiều hoạt động gây ô nhiễm môi trường tự nhiên như sử dụng thuốc trừ sâu hoá học độc hại, sử dụng các loại phân bón quá mức, xả rác thải bừa bãi, cùng với tình trạng nước thải sinh hoạt mức độ ngày càng phức tạp không được xử lý sơ bộ xả thải vào các cánh đồng, kênh rạch. Các nguyên nhân trên làm môi trường sinh thái khu vực bị quá tải sự phục hồi và phú dưỡng, các loài sinh sống trong hệ sinh thái này bị ảnh hưởng rất lớn về loài biến mất hoặc suy giảm.

Nhìn chung, môi trường đất tương đối đầy đủ đa dạng sinh học nông nghiệp chung. Tuy nhiên, qua qua trình sử dụng và khai thác, chất lượng đất khu vực đang bị xuống cấp, nguồn nước dần nhiễm bẩn, các loài khó thích ứng biến mất hoặc di cư, ảnh hưởng không nhỏ sự suy giảm đa dạng của khu vực.

Đa dạng gen sau khi thu hồi và xây dựng phát triển Dự án công nghiệp

Toàn bộ diện tích dự án thu hồi phục vụ cho dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, đất sông ngòi – thủy lợi, trong đó các thành phần đất nông nghiệp đều bị thay đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi môi trường sinh thái đang tồn tại, diện tích đất trở thành đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp của Dự án Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền. Diện tích đất trung bình thu hồi của mỗi hộ dân là hàng trăm mét vuông, sau khi thu hồi toàn bộ diện tích nếu không có các biện pháp cải tạo, tăng cường phục hồi và bồi hoàn đa dạng sinh học sẽ trở thành khu vực đất trống, không được che phủ và dần thay đổi về tính chất, các loài sinh vật dần di chuyển tới các khu vực xa hơn để cư trú lâu dài hoặc biến mất.

Tổng diện tích thu hồi trở thành đất phục vụ phát triển dự án là 263.47 ha. Với mục tiêu phát triển công nghiệp hài hoà với thiên nhiên, quy mô diện tích đất cây xanh, mặt nước chiếm tỷ lệ rất lớn bao gồm đất cây xanh hạ tầng KCN, cây xanh cảnh quan, cây xanh cách li, công trình sinh thái và hệ thống cây xanh của Doanh nghiệp… thiết lập nên một hệ sinh thái mới, trung tâm đa dạng sinh học với các hệ sinh thái phong phú và nguồn gen đa dạng.

Xét đánh giá về sự phát triển tài nguyên sinh vật ở đây, có 2 hệ sinh thái phát triển:

*Hệ sinh thái trên cạn: Thực vật chủ yếu là các loại cây xanh cách ly và cây xanh cảnh quan hạ tầng KCN và cây xanh cảnh quan của Dự án Doanh nghiệp trong phạm vi diện tích đất quy hoạch. Các loài động vật chủ yếu là các loài thú nhỏ, bò sát.

*Hệ sinh thái dưới nước: Hệ kênh rạch chủ yếu bị tác động bởi hệ thống sông Cấm đoạn chảy qua khu vực dự án và một phần khu vực dân cư lân cận. Hệ thống nước các hồ nội khu chủ yếu là nước mưa và nước ngấm dưới đất và nước nuôi các loại cá từ nước tận dụng sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải. Xét hệ sinh thái đặc tính sông Cấm có thực vật nổi: Sông Cấm 96 loài thuộc 4 ngành tảo Silic, tảo lục, tảo Lam, tảo mắt,…động vật nổi: 34 loài thuộc 7 nhóm, Động vật đáy: 29 loài thuộc 8 nhóm các loại thuỷ sinh: cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, tảo, vi khuẩn,…..Các loài thuỷ sinh nuôi nhân tạo: Cá Koi, Trắm, Rô,...

Đa dạng về các loài thực vật

Các tầng thực vật: Mỗi tầng thực vật tại KCN cung cấp môi trường sống độc đáo cho các loài sinh vật khác nhau, sinh trưởng và phát triển tốt hài hoà với môi trường KCN. Thảm thực vật có vai trò quan trọng trong che chắn bụi, hấp thụ tốt CO2 giúp điều hoà không khí. Cây tạo ra một lượng sinh khối hữu cơ tại chỗ rất lớn. Lượng sinh khối này sẽ là môi trường và thức ăn cho các loài sinh vật, vi sinh vật đất, chúng phân hủy và trả lại lượng hữu cơ tự nhiên cho đất. Lượng hữu cơ này sẽ cải thiện cấu trúc, tính chất của đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.

Các loại cây có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, tham gia vào quá trình cải tạo đất, đồng thời là ngôi nhà cho các loài động vật và tham gia chuỗi thức ăn chung của các sinh vật.

Tầng thứ nhất: Tầng vòm cây vượt tán bao gồm các cây cao nhất trong KCN. Tầng thứ nhất chiếm tỷ lệ 10% diện tích thực vật, chịu nhiều tác động của thời tiết như gió to, mưa lớn thậm chí là cả sấm chớp, thích hợp cung cấp môi trường sống, trú ẩn cho các loài động vật bay và nhiều loài chim. Các loại cây được ưu tiên trồng bao gồm: Bạch đàn, Phi lao, Bàng Đài Loan… cao trung bình 6 - 10 m.

Tầng thứ hai: Tầng trung gian bao gồm các loài cây thân gỗ cao như cây ăn quả, cây hoa được trồng dọc các tuyến đường KCN, chiếm tỷ lệ 25% diện tích thực vật. Tầng cây này có tán rộng, với những cây gỗ cao và lâu năm, là nơi sinh sống của các loài động vật như chim, ếch cây, rắn, thằn lằn và các loại bò sát. Các loài cao trung bình dưới 2 - 5m như Đa, long não, đào, mận, phượng, liễu...hồng xiêm, chà là, đa, bồ đề, phong linh, xoài, đu đủ, bòng, ban, kèn hồng, Osaka, phượng hoàng lửa, mít, hoàng nam, vú sữa, chà là,…

Tầng thứ ba, Tầng cây gỗ tầm thấp, nằm dưới tầng trung gian, chiếm tỷ lệ khoảng 8% diện tích thực vật, cao trung bình từ 1,5 m đến 1,8 m bao gồm các cây có đường kính trung bình, cây ít chịu tác động của thời tiết hơn hai tầng trên, chủ yếu là các loại hoa, cây xanh cảnh quan như hoa nhài Nhật, hoa hồng, râm bụt, hoa giấy, huỳnh liên, trúc, kim giao,…

Tầng cây bụi: cũng rất quan trọng, cung cấp một môi trường sống cho các loài động vật nhỏ và đa dạng như côn trùng, bướm và các loài côn trùng, chiếm tỷ lệ 12% diện tích thực vật. Tầng cây bụi có thể cung cấp nơi ở cho các loài chim, ếch và thằn lằn, cung cấp thức ăn cho nhiều loài động vật nhỏ, cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho các loài động vật. Cây trung bình 1 – 1,2m: Hồng lộc, Phi lao tầm thấp, tùng, Mai chiếu thuỷ, Cau cảnh, Trầu bà, tùng, trúc tầm thấp, tuyết sơn phi hồng,…

Tầng thực vật lá thấp và tầng thực vật đất: cung cấp một môi trường sống quan trọng cho sự đa dạng sinh học, chiếm tỷ lệ 20% diện tích thực vật. Các loài thực vật trong tầng này cung cấp thức ăn cho các loài động vật nhỏ. Các loại cây phát triển trung bình dưới 1m như rêu, cỏ lạc, cỏ ba lá, cỏ nhật, lan ý, chuỗi ngọc, bạch trinh biển, cây dây nhện, chuối cảnh, hoa ngũ sắc, dương xỉ,…

Cây thân thảo và dây leo: vảy ốc, hoa giấy, sử quân tử, lan tỏi, đăng tiêu, hoa tigo, đậu biếc, hoa lan, hoa hồng leo, cúc tần, chiếm tỷ lệ 10% diện tích thực vật.

Tầng thực vật mặt nước và thuỷ sinh: Thuỷ trúc, hoa súng, hoa sen, dứa nếp, bách thủy tiên, rong đuôi chồn, bèo, rong, rêu... chiếm tỷ lệ 8% diện tích thực vật.

Các loại từ các vùng miền, khu vực khác nhau, chiếm tỷ lệ 7% diện tích thực vật. Không chỉ đa dạng về các loại cây trồng phổ biến phù hợp với đặc điểm khí hậu của khu vực, đặc tính cây tốt, khoẻ, KCN còn trồng các giống cây từ các vùng đất khác nhau và các loại “cây ngoại” được phát triển nguồn gen thích hợp với khí hậu khu vực như Kơ Nia, Bồ đề, Kim giao, Osaka, Mai, Hoa anh đào…... tạo môi trường phát triển thêm các loài mới.

*Đa dạng về các loài động vật

Tầng động vật ở độ cao thấp khác nhau, bao gồm các loài động vật sống trên mặt đất và trong nước. Các loài động vật trong tầng này cung cấp thức ăn cho các loài động vật khác và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái.

Tầng động vật ở độ cao trên mặt đất, bao gồm các loài động vật bay. Các loài động vật trong tầng này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cân bằng sinh thái và phân tán các loài thực vật, các loài tiêu biểu như chim sâu, chim sẻ, chim én, gõ kiến, cú, chim chích, chim bồ câu, chim bói cá, các loài bướm, chuồn chuồn…. Các loài kiếm mồi và làm nhà ở, sinh sống, sinh trưởng tốt.

Tầng động vật đất cung cấp thức ăn cho các loài động vật nhỏ như chuột và các loài côn trùng cung cấp thức ăn cho các loài động vật ăn thịt như rắn. Cuối cùng, nền đất có một lớp lá rơi từ các tầng trên. Bên dưới lớp lá là lớp đất màu mỡ có thể là nơi trú ngụ của sên, ốc, và rết. Trong lòng đất như giun, ấu trùng góp phần tạo đất tơi xốp hơn.

Mỗi tầng thuỷ sinh cung cấp một môi trường sống độc đáo cho các loài động vật và thực vật khác nhau. Tại các hồ nước và kênh rạch chảy qua KCN có đa dạng loài cá phân bổ theo tầng như tầng nổi: cá mè, cá chép, cá trắm cỏ, các loài tôm tép, tầng dưới có các loài cá trắm đen, cá chuối, cá trôi, trai, ốc, cua…. Tầng đáy sông cung cấp một môi trường sống cho các loài cá và các loài động vật không xương sống khác. Cùng với đó, các loài động vật phù du, giáp xác nhỏ, vi khuẩn, tảo cũng rất phát triển.

Một số nguồn gen tiêu biểu

Nhóm sinh vật

Số loài đã biết/ Số nguồn gen

Vi sinh vật

Vi sinh vật có lợi và Vi sinh vật có hại trong Môi trường nước, môi trường đất, môi trường trên mặt đất - không khí và môi trường sinh vật (người, động vật, thực vật).

Vi tảo (vi khuẩn lam và các ngành vi tảo khác ở nước ngọt)

Tham khảo “Nghiên cứu biến động thành phần loài tảo nước ngọt trong hệ ao nuôi trồng thủy sản tại khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam”: Tảo lam, tảo mắt, tảo lục, tảo lam, tảo khuê, tảo vàng, tảo giáp… Trên 131 loài

Thực vật

_Hơn 250 loài hoa, hơn 500 loài cây xanh, cây bóng mát, cây trồng lâu năm, 100 loài cây ăn quả, hàng chục hecta thảm cỏ, cây bụi, cây xanh, mặt nước,….

Tầng vòm cao: Bạch đàn: (Bạch đàn đỏ, Bạch đàn lá liễu); Phi lao, Bàng: (Bàng ta truyền thống, Bàng Đài Loan, Bàng vuông),.... Trên 30 loài

Tầng trung gian: Đa (đa búp đỏ, đa bồ đề và đa lá tròn), long não, đào (đào bích, đào phai), mận, phượng (Phượng tím, phượng vàng, phượng đỏ), liễu (liễu rủ, liễu đỏ), hồng xiêm xoài, chà là, bồ đề, phong linh, xoài (xoài cát, xoài keo, xoài tượng, xoài Đài Loan, xoài hạt lép), đu đủ (đu đủ lùn, đu đủ ruột vàng, đu đủ ruột đỏ), bòng, bưởi, ban (ban trắng, ban hồng, ban đỏ), kèn hồng, Osaka, phượng hoàng lửa, mít (mít ta, mít Thái, mít tứ quý, mít mật), hoàng nam, vú sữa, chay, thị, me, hoa đại, gạo, lộc vừng, muồng, hoa sữa, bằng lăng, sấu, hoa trà...Trên 200 loài

Tầng cây gỗ tầm thấp: Hoa nhài Nhật, hoa hồng (hoa hồng cổ, hoa hồng bạch, hoa hồng leo, hoa hồng ngũ sắc,..), hoa râm bụt (cam, đỏ), hoa giấy (trắng, cam, vàng), huỳnh liên, trúc (Trúc mây, Trúc Nhật, Trúc quân tử, Trúc cần câu, trúc vàng, trúc Hawai, Trúc phật bà), cây xanh, cây si, đỗ quyên, tường vi,…Trên 180 loài.

Tầng cây bụi: Chùm ngây, Hồng lộc, Phi lao tầm thấp, Tùng (Tùng la hán, Tùng bách, Tùng cối, tùng kim), Mai chiếu thuỷ, Cau cảnh (Cau nhật cảnh, Trầu bà (Trầu bà Đế vương, Trầu bà xanh, Trầu bà chân vịt, Trầu bà thanh xuân, Trầu bà chân rít lá đốm, Trầu bà leo,…, trúc tầm thấp), tuyết sơn phi hồng, mẫu đơn (mẫu đơn cổ, mẫu đơn Thái), huyết dụ, tai tượng, nguyệt quế, ngâu (ngâu tròn, … Trên 200 loài.

Tầng thực vật lá thấp và tầng thực vật đất: rêu, cỏ lạc, cỏ ba lá, cỏ Nhật, lan ý, chuỗi ngọc, bạch trinh biển, cây dây nhện, chuối cảnh (chuối mỏ ket), hoa ngũ sắc, dương xỉ (Dương xỉ Thái), chiều (tím, hồng), tóc tiên, dứa vạn phát... Trên 100 loài

Cây thân thảo và dây leo: vảy ốc, hoa giấy, sử quân tử, lan tỏi, đăng tiêu, tigo, đậu biếc, hoa lan, hoa hồng leo, cúc tần, nguyệt quế leo, hoa lan (lan hồ điệp, lan kiếm, lan vũ nữ, an Dendro, Lan Cẩm cù, Lan Long tu Lào, Lan Tam Bảo Sắc, Lan phi điệp, Lan Trần mộng, lan chuỗi ngọc, Lan nữ hoàng bóng đêm,… ),…Trên 200 loài

Cây vùng khí hậu đặc biệt: Kơ Nia, Bồ đề, Kim giao, Osaka, Mai, Hoa anh đào, Trên 30 loài

Cây thuỷ sinh, mặt nước: Thuỷ trúc, hoa súng Thái, hoa sen, dứa nếp, bách thủy tiên, rong đuôi chồn, bèo, rong, rêu...Trên 190 loài.

Sán ký sinh

Sán, Ký sinh; Giun sống trong các loài động vật, thực vật

Động vật sống dưới nước/ Mặt nước

Trùng giày, Thuỷ tức; Ốc, Tôm, Cua, Lươn, Trạch, Trai

Nhện nước, Muỗi nước, các loài động vật phù du, giáp xác nhỏ, vi khuẩn, tảo

Cá Rô, Rô phi, Chép, Trắm, Mè, Trê Chuối, Cờ, Koi, Dọn Bể…

Động vật sống ở đất và trên mặt đất

Bọ cánh cứng, Nhện, Bọ Hung, Bọ cạp; Châu chấu; Giun đất, Ốc ở cạn; Rắn, Bọ cạp; Rết…

Côn trùng, Sâu bọ

Muỗi, Ruồi, Bướm, Ong, To vò; Châu chấu; Sâu

Lưỡng cư, Bò sát trên cạn

Ếch, Nhái, Thằn lằn, Tắc kè, Cóc

Chim

Chim bồ câu; Chim sẻ; Chim ri; Chim sâu; Chim gõ kiến, Chim bói cá, chim én, Cú,…

Thú trên cạn

Chuột, Sóc, các thú nuôi: Chó, Mèo, Gà,…

Đánh giá chung

Cây cung cấp hạt, trái và lá cho các loài ăn cỏ, chúng giúp phân tán khắp nơi để chúng phát triển. Thức ăn thừa được tiêu thụ bởi hàng triệu côn trùng phân huỷ và tái chế chất dinh dưỡng để tạo ra đất đai màu mỡ,…. Hệ sinh thái phức tạp từ sự kết hợp các loài khác nhau và đa dạng di truyền trong nội bộ loài.

Qua đánh giá chung có thể thấy, khi dự án NCK hình thành đã đóng góp đa dạng sinh học phạm vi lớn, đảm bảo trên 65% hệ sinh thái được phục hồi so với trước khi triển khai dự án và xây mới mở rộng thêm nhiều hệ sinh thái, kết nối với hệ sinh thái chung. Có thể nhìn nhận rõ sự chuyển hoá và hình thành các hệ sinh thái cải thiện rất nhiều môi trường của khu vực so với trước. Bước vào KCN sẽ cảm nhận không khí trong lành, các tuyến hoa dọc theo tuyến đường cùng cây xanh bóng mát kết nối các công trình xanh trong KCN tạo sự hài hoà “công nghiệp – sinh thái”. Không chỉ hỗ trợ phục hồi đa dạng cho KCN, nhờ phát triển môi trường sinh thái trong KCN kết nối thành thảm thực vật, môi trường trong lành với cộng đồng dân cư khu vực xung quanh đã góp phần phục hồi và phát triển hơn hệ sinh thái toàn khu vực. Có thể thấy, sự đa dạng ở KCN rất ấn tượng trong phân bổ, quy hoạch phát triển để sự phục hồi đáp ứng tốc độ phát triển công nghiệp ở đây.

Sự đa dạng của các tầng sinh vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển đa dạng sinh học. Các tầng sinh vật cung cấp một môi trường sống độc đáo cho các sinh vật khác và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái. Do đó, việc bảo vệ đa dạng sinh học là rất quan trọng để bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng sinh thái. Chúng ta cần phải bảo vệ các khu vực đa dạng sinh học, ngăn chặn sự tàn phá các môi trường sống của các loài sinh vật và giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đưa đa dạng sinh học hài hoà với cuộc sống.