ISSN-2815-5823

Đại biểu đề xuất lấy nguồn từ 1 triệu tỷ tồn đọng để hỗ trợ lao động

(KDPT) - Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Tuấn đề xuất dành 1 triệu tỷ đồng ngân quỹ đang gửi ngân hàng để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm.

Ngày 31/5, tham gia góp ý tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) nêu tình trạng, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, khiến hàng trăm nghìn người bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp.

"Mất việc làm được xem rủi ro lớn nhất với công nhân. Người lao động dễ bị tổn thương khi mất đi thu nhập chính và mất đi nguồn kinh tế cần thiết, ảnh hưởng đến người phụ thuộc trong gia đình như người già, trẻ em", đại biểu Dung nêu.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương)
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương)

Theo đại biểu Dung, người lao động không còn khả năng chi trả cho nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, thực phẩm. Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp còn đối mặt với những áp lực, khủng hoảng tinh thần, có thể dẫn tới hành động tiêu cực như bạo lực hay tệ nạn xã hội.

Nữ đại biểu cũng cho biết, người dân, doanh nghiệp cần chính sách thiết thực duy trì an sinh xã hội. Ngoài việc tiếp tục, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng kịp thời, hiệu quả trước những rủi ro, người làm chính sách cần đặt mục tiêu là hướng đến người lao động.

Cần lấy an sinh xã hội là tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả chính sách khi đi vào thực tiễn. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung gợi ý nghiên cứu xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó khó khăn rủi ro đột ngột. "Việc xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ làm giảm gánh nặng với quỹ an sinh xã hội truyền thống như Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó, đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần củng cố an toàn, bền vững của an sinh xã hội", đại biểu đoàn Hải Dương nói.

Cũng bàn về vấn đề an sinh cho người lao động, liên quan đến ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023), đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con số này cho thấy vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Theo ông, nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

"Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết. Chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì chúng ta sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế thì sẽ ổn định, kích cầu thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay. Bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế", ông Anh Tuấn nói.

Cũng theo đại biểu, các gói hỗ trợ của Chính phủ, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng hiện nay còn thấp, chậm. 5 đối tượng ưu tiên được ưu đãi về tín dụng thì các doanh nghiệp trong đối tượng này "chưa cảm nhận được" sự hỗ trợ của chính sách hỗ trợ.

"Chính sách hỗ trợ đưa vào nền kinh tế có độ trễ nhất định, muốn đưa nhanh thì thủ tục phải rút gọn hơn", ông Tuấn nói.

Cũng theo đại biểu, thủ tục hiện nay yêu cầu tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, cần phải có phương án khác, ví dụ thay thế bằng dự án khả thi, xét tính khả thi của dự án thì có thể cấp tín dụng ưu đãi cho những đối tượng này. Đồng thời có thể xem xét, mở rộng thêm các đối tượng khác để có độ phủ và có mức độ tăng tín dụng tốt hơn.

"Chúng ta đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua giải pháp đó thì lượng cung tiền cho nền kinh tế sẽ tốt hơn. Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng một cách thận trọng, xem xét miễn, giảm thuế.

Với thuế VAT, chúng tôi ủng hộ theo hướng mở rộng cho tất cả đối tượng, không nên hạn chế những đối tượng, những ngành có độ lan tỏa cao. Với những ngành có độ lan tỏa cao, chúng ta nên mở rộng chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế phát triển", đại biểu Tuấn nêu.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Doanh nghiệp giảm, giãn đơn hàng khiến nhiều người lao động nghỉ việc, mất việc. Ảnh minh họa.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc tồn ngân quỹ lớn chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Hiện số tiền này được gửi tại Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm. Ông Phớc cho rằng, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.

Tình trạng lao động bị giãn việc, giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ghi nhận.

Theo báo cáo của cơ quan này, quý I năm nay, số lao động nghỉ giãn việc gần 294.000 người, giảm 2.000 người so với cuối 2022 và đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (83%).

Nhưng số lao động mất việc là 149.000 người, tăng 39.000 người so với quý trước, tập trung ở ngành dệt may (19%); da giày (18%), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử (17%). Lao động mất việc, giảm giờ làm tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai 32.600 người, Bình Dương 21.700 lao động, Bắc Ninh và Bắc Giang lần lượt 14.000 người và 7.700 người.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/12/2024