ISSN-2815-5823
Thứ ba, 09h15 20/10/2020

Đảm bảo cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng lũ

(KDPT) – Lũ lụt đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung, trong đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại 04 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Do đó, việc dự trữ hàng hóa và cung cấp nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng lũ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn coi trọng công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa nhằm đảm bảo không thiếu hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Năm 2020, để chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão, Bộ Công Thương có công văn hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Nắm bắt tình hình cung cầu và hệ thống phân phối các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng có nhu cầu cao trong mùa mưa, lũ và chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống…

Lương thực, thực phẩm đang là mặt hàng thiết yếu của người dân vùng lũ (ảnh minh họa)

Trước tình hình lũ lụt nghiêm trọng như hiện nay tại khu vực miền Trung, Bộ Công Thương thường xuyên liên hệ với đầu mối liên lạc tại địa phương, cập nhật thông tin diễn biến của mưa lũ để để nắm sát tình hình, kịp thời có chỉ đạo đối với hoạt động lưu thông, cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

Bộ cũng thường xuyên theo dõi tình hình, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai thực hiện theo kế hoạch và phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt chú trọng công tác dự trữ tại chỗ. Trong đó, đã tập trung triển khai các hoạt động: Tổ chức hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và bán hàng bình ổn giá tại các khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, gây tăng giá hàng hóa đột biến; Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối đã được phân công dự trữ hàng hóa: tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; thực hiện xuất kho, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Ban quản lý các chợ khắc phục nhanh, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh nhanh chóng hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ và phối hợp gửi lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm soát thị trường, tránh trường hợp tăng giá bất thường, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án, mặt hàng, địa điểm, đối tượng… để triển khai khi xảy ra thiên tai. Do đó việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vùng lũ đã được các nhà cung cấp thực hiện một cách chủ động và thiết thực.

Cụ thể tại tỉnh Quảng Bình, ngoài các siêu thị như: Coop mart, Vinmart, Thái Hậu, Diên Hồng có sự tham gia của 06 doanh nghiệp trong công tác dự trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…đảm bảo phục vụ bà con. Mặt hàng dự trữ chủ yếu là mỳ ăn liền (hơn 63.000 thùng), gạo (gần 1.200 tấn), nước uống đóng chai (17.500 thùng), xăng dầu các loại (hơn 15.000m3)…

Tại tỉnh Quảng Trị, việc dự trữ và phân phối các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được hai đơn vị chủ chốt là Tổng công ty Thương mại Quảng Trị – CTCP và Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Sài Gòn – Đông Hà đảm nhận với tổng khối lượng hàng hóa quy đổi ra tiền là 13,895 tỷ đồng bao gồm các mặt hàng như gạo (300 tấn), nước mắm (15.000 lít), mỳ ăn liền (50.000 thùng), đồ hộp các loại (100.000 hộp)…

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay có 10 doanh nghiệp tham gia vào công tác dự trữ và cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho bà con vùng lũ. Theo con số thống kê, các mặt hàng chủ đạo vẫn là gạo (100 tấn), mỳ ăn liền (50.000 thùng), tôn lợp mái (70.000 tấm), xăng dầu các loại (hơn 5.000.000 lít)….

Còn tại tỉnh Quảng Nam, công tác dự trữ và cung cấp hàng hóa thiết yếu cũng luôn được đảm bảo. Thông tin từ Bộ Công thương cho biết tổng hàng hóa quy đổi ra tiền tại địa bàn tỉnh này hiện nay 6,496 tỷ đồng với các mặt hàng chủ đạo như: Mỳ ăn liền (45.130 thùng), lương khô (2.320 thùng), gạo (2.221 tấn), nước uống đóng chai (119.984 thùng), Xăng (1.944 m3), Dầu (1.332 m3), tôn lợp (107.227 tấm), các loại tấm lợp bằng vật liệu khác (11.141 tấm)….

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ứng phó, hỗ trợ tốt nhất cho người dân sớm ổn định cuộc sống tại các tỉnh miền Trung, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai nhiệm vụ được giao về công tác cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, trong đó tập trung vào việc đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu; dự báo nhu cầu tại các khu vực, tỉnh sẽ tiếp tục chịu tác động của lũ lụt và biện pháp ứng phó khi lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu, trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp để Bộ có phương án điều hàng ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận để kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.

TRƯỜNG MINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024