ISSN-2815-5823

“Đánh đúng và đánh trúng” để bảo vệ quyền của người tiêu dùng

(KDPT) – Theo thông tin từ Bộ Công thương, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 có chủ đề là: Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-11-2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011). Và đây đã là năm thứ 3, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành kế hoạch để thống nhất tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới. Điều đó cho thấy, quyền của người tiêu dùng ngày càng được khẳng định, coi trọng.

Quyền của người tiêu dùng đang được nâng cao. (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Khách hàng mua phải hàng giả có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, gây thiệt hại cho khách hàng.
Hiện nay đang diễn ra một thực tế là chính bản thân người tiêu dùng cũng không ý thức được “quyền” của mình. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do sự hạn chế trong nhận thức của người tiêu dùng về việc bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình đối với quan hệ tiêu dùng. Đồng thời là do tâm lý e ngại trong việc tìm đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Nhiều người tiêu dùng hẳn vẫn chưa quên câu chuyện về thương hiệu khăn lụa Khaisilk, một thương hiệu lớn nhưng bị phát hiện làm ăn thiếu minh bạch. Sự việc không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm, thương hiệu, mà còn cho thấy sự yếu kém của lực lượng quản lý thị trường khi để vụ việc diễn ra trong một thời gian dài. Xa hơn nữa, nhiều người chắc hẳn còn nhớ vụ ồn ào liên quan đến thương hiệu xe đạp điện PEGA của Việt Nam, khi PEGA phát hiện sản phẩm của mình bị làm nhái và bày bán công khai trên thị trường. Ngay sau đó doanh nghiệp này đã phải “cầu cứu” Bộ Công Thương xử lý. Tuy nhiên, vụ việc cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, thu hồi sản phẩm…
Thế nhưng người tiêu dùng hiện nay vẫn đang “vô tư” tiếp nhận những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng và không ý thức được quyền của mình đang bị xâm hại. Minh chứng rõ nhất, đơn giản nhất là việc phải tiếp nhận tin nhắn “rác”; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong bữa ăn hằng ngày bởi lối sản xuất kinh doanh “rau hai luống, lợn hai chuồng”,… Thế nhưng, với quan điểm xem đó là chuyện nhỏ, “không phải chuyện của mình” nên phần lớn người tiêu dùng lựa chọn cách ứng xử: im lặng.
Giờ đây, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ những sai phạm của các doanh nghiệp làm ăn gian dối, điển hình như vụ Khaisilk thì một vấn đề lớn hơn được đặt ra là người tiêu dùng Việt Nam hiện đang đối mặt với ma trận hàng giả từ nhiều nguồn khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, Hội là các tổ chức tự chủ về mặt tài chính nên mọi hoạt động đều phải phụ thuộc vào sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Trước thực trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm ngày càng nhiều thì việc tồn tại của Hội là điều cần thiết, vì Hội là tổ chức trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Để Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hoạt động có hiệu quả và quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo một cách tối ưu thì cơ quan nhà nước cần xây dựng lại quy chế hoạt động đối với tổ chức này theo hướng chặt chẽ hơn.
Càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử càng phát triển, quyền của người tiêu dùng càng đứng trước những nguy cơ bị xâm phạm mới, khó giải quyết hơn bởi các mối quan hệ kinh doanh phức tạp hơn, nhất là khi chưa có quy định pháp lý đối với những vấn đề, lỗ hổng mới phát sinh.
“Kinh doanh lành mạnh – Tiêu dùng bền vững” là chủ đề rất đúng và trúng. Nhưng cần đánh “đúng và trúng” hơn nữa vào gốc rễ của vấn đề, để người tiêu dùng thực sự có được quyền khi tiêu dùng. Và hơn hết, chữ “tâm” cần đặt lên hàng đầu đối với mỗi doanh nghiệp trong kinh doanh, sản xuất và với những tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi nếu không thực sự có tâm, có tài không những sẽ không bảo vệ được người tiêu dùng mà còn có thể đưa ra những thông tin, cảnh báo không chính xác, gây bất lợi không chỉ người tiêu dùng mà cả đơn vị sản xuất, kinh doanh lành mạnh.

Duy Khánh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine