ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h47 27/06/2018

Đánh thuế tài sản: Không thể cào bằng

(KDPT) – Thuế tài sản hiện trở thành nguồn thu quan trọng và ngày càng tăng của các quốc gia, giúp tăng tính tự chủ, tự quyền của các địa phương. Tuy nhiên, hiện trên thế giới có những tên gọi khác nhau về loại thuế này như thuế bất động sản, thuế nhà đất, thuế tài sản. Trong đó, có 65 nước gọi là Thuế tài sản, 51 nước gọi là Thuế bất động sản.

Hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về việc đánh thuế tài sản ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo đại diện Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, thuế tài sản chỉ áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công, nhà đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng. Các khoản thu khác đối với tài sản như lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất… giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Bà Lê Thị Mai Liên, đại diện Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Tài chính thông tin có đến 174/193 quốc gia đang thu thuế tài sản, với mức thu trung bình từ 3-4% tổng số thu thuế hàng năm ở các nước phát triển và thấp hơn ở các nước khác.

“Nguồn thu từ thuế tài sản trở thành một trong những nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách ở nhiều nước”, bà Liên nhấn mạnh. Thuế tài sản thu vào nhà đất còn thể hiện tính gắn kết với các lợi ích cơ bản của các dịch vụ công tới người dân. Thuế tài sản thu vào đối tượng là bất động sản sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và điều tiết hành vi sử dụng các tài sản của xã hội, thúc đẩy sử dụng tài sản có hiệu quả.

Nhiều nước đang có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản, với mức thu không giống nhau. Dòng thuế này đóng góp tới khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi nền kinh tế.

Tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản được giao về cho các tiểu bang và thuế suất khác nhau do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau và tùy quyền tự quyết của mỗi bang. Chẳng hạn, thuế suất ở bang Califonia là 1,2%/năm giá trị bất động sản, gồm nhà và đất, và trên 3% ở bang Texas.

Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4%. Người sở hữu nhà ở có trách nhiệm phải khai báo đâu là căn nhà chính mà họ ở, đâu là nhà mua để đầu tư. Những chế tài nghiêm tắc về tài chính được đặt ra để ngăn chặn các hiện tượng chậm đóng thuế hoặc không khai báo.

Dự thảo của Bộ Tài chính hiện tại đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% và với đất cũng là 0,4%. Tuy nhiên, nếu đánh thuế tài sản phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào. Nên có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản để tránh bất công. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên để mức thuế suất thấp, khoảng 0,1% và đưa luôn vào luật, mức thuế có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm.

Một trong những lý do chính cho những người ủng hộ việc áp dụng thuế tài sản là tính công bằng. Người giàu sở hữu nhiều tài sản nên đánh thuế tài sản thì người giàu sẽ phải trả nhiều thuế hơn và Nhà nước sẽ dùng thuế này để điều tiết lại cho người nghèo.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức, luật sư thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho rằng “nếu đánh thuế tài sản thì phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ tài sản nào, loại nào bằng không”.

Ông Đức kiến nghị “thuế tài sản chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, chỉ đánh vào một số loại tài sản, có giá trị lớn, chẳng hạn, miễn thuế đối với một diện tích tối thiểu”.

Đánh thuế lũy tiến với khởi điểm rất thấp và phải cộng dồn nhà và đất khi đánh thuế, không thể cào bằng với người có thu nhập thấp.

“Như vậy, hoàn toàn bất công, không đạt được mục tiêu thu thuế tài sản. Cần thông qua cơ chế đại diện, tập hợp ý kiến người dân. Không nên để dân nói mặc dân, cứ biểu quyết để có nguồn thu, theo đúng thông lệ quốc tế”, ông Đức khẳng định.

Ngoài ra, đánh thuế trên cơ sở có nguồn thu, có khả năng nộp thuế, tức là, thực chất đánh thuế người giàu có nhiều tài sản. Trước hết, cần phải thống kê, theo dõi, quản lý dữ liệu để tính toán giá đất, giá nhà, tổng số tài sản, để lấy cơ sở tính thuế.

Còn theo bà Lê Thị Mai Liên, về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất, nghĩa là vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế. Về giá nhà, đất để tính thuế, ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà đất do UBND cấp tỉnh quy định; trung và dài hạn cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất trong đó, bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.

Về thuế suất, Luật Thuế tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó, phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, đảm bảo ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ.

Minh Đức

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024