Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi; lãnh đạo các Bộ, ngành… và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Việt Anh)

Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị.
(Ảnh: Bộ LĐTBXH)

Do đó tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân trong thời gian tới, đặc biệt tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại trong năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023, ngành đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Trong năm 2023, Bộ đã hoàn thiện Hồ sơ Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Trình Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thúc đẩy các giải pháp để phát triển thị trường lao động

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023; các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.

Thị trường lao động tại Việt Nam trong năm 2023 có những tín hiệu tích cực nhờ các chính sách, giải pháp phù hợp. (Ảnh minh họa)

Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.

Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Ước thực hiện cả năm số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTBXH đã xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội Hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 24/4/2023 về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách BHTN; tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.

Tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuyển sinh học nghề năm 2023 ước đạt 2.295.000 người, đạt mục tiêu; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người. Tốt nghiệp năm 2023 ước đạt 2.043.000 người, đạt mục tiêu; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.697.000 người.

Duy trì đầy đủ các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội

Công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đời sống người có công tiếp tục được nâng cao hơn. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho 1.138.816 đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công tiếp tục được cải thiện, nâng cao hơn.

Bên cạnh đó, công tác trợ giúp xã hội; nghiên cứu, mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp xã hội cũng được nâng cao hiệu quả. Cụ thể, chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 3,356 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí trên 27 nghìn tỷ đồng; có 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. An sinh xã hội luôn được đảm bảo.

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt mục tiêu đề ra.

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; Bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 là 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022... Ngoài ra, các lĩnh vực khác đều được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả tốt.

Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế của Bộ được triển khai đồng bộ, có trọng tâm.

Với những kết quả đó, có thể thấy, dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; các chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2024

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, toàn ngành cần tập trung, quyết liệt với quyết tâm cao, linh hoạt, khoa học và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt trong hành động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển” với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo, điều hành sau:

(1) Hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển KTXH của đất nước.

(2) Tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động và phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế.

(3) Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

(4) Hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.

(5) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

(6) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính – ngân sách. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm./.