ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h49 13/06/2018

Để nông sản không còn nỗi đau “giải cứu”

(KDPT) – “Được “visa” đi Mỹ, Australia, Nhật… những tưởng con đường cho nông sản Việt đã rộng mở, chấm dứt chuỗi ngày “giải cứu”. Song có đi trên con đường ấy mới biết còn nhiều chông gai, bởi thâm nhập thị trường đã khó, trụ lại được càng khó hơn. Theo các chuyên gia, cần đưa ra các giải pháp chấm dứt việc giải cứu nông sản như hiện nay vì câu chuyện này sẽ chỉ làm giảm giá trị của nông sản Việt đồng thời mang lại nguồn thiệt lớn cho người nông dân.

Xuất khẩu vẫn tăng…

Sau thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada… mới đây, nông sản Việt lại đón nhận tin vui khi trái chôm chôm được cấp phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand. Như vậy, sau xoài và thanh long, chôm chôm là mặt hàng trái cây thứ 3 xuất khẩu được sang thị trường này. Được biết, sau chôm chôm, từ năm 2019, quả nhãn tươi và tôm tươi nguyên con của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Australia.

Thực tế, Việt Nam có thế mạnh trái cây mà không phải nước nào cũng có được. Chẳng hạn như thanh long, xoài, vải thiều Việt Nam được nhiều nước đánh giá rất ngon và muốn nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Hàng nông sản của Việt Nam đang gặt hái được nhiều kết quả tích cực, hiện nông sản Việt đang được xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới và luôn nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất.

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%. Riêng xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù lập kỷ lục mới trong xuất khẩu nông sản, song điều đáng nói, trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, Trung Quốc đứng vị trí đầu tiên khi chiếm tới 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Nhật Bản chiếm 3,7%, Mỹ 3%, Hàn Quốc 2,6%, thị trường EU chỉ mới chiếm 0,4%.

Nhưng vị đắng chưa phai

Bên cạnh những tin vui từ xuất khẩu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nông sản Việt cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là thực trạng được mùa mất giá, sản phẩm nông nghiệp mất an toàn vệ sinh, hay sản xuất thiếu kế hoạch, cung vượt cầu, dẫn đến thực trạng liên tục phải giải cứu nông sản.

Phải mất tới 12 năm đàm phán, quả vải mới “mở cửa” được thị trường Australia. Được “visa” đi Mỹ, Australia, Nhật… Những tưởng con đường cho nông sản Việt đã rộng mở, giúp “giải cứu” cho quả vải Việt Nam với sản lượng khoảng 250.000 tấn chín rộ mỗi vụ, nhưng khi đi trên còn đường ấy, mới thấy quá nhiều chông gai…

Không chỉ quả vải, nói về khó khăn khi xuất khẩu nông sản, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, đưa được hàng sang đã khó, nhưng để trụ vững là điều không dễ. Khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhiều doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản theo đúng hợp đồng và hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật chăm sóc song sản phẩm nông dân sản xuất ra không đồng đều, vẫn còn tình trạng rau, củ, quả chất lượng không bảo đảm. Thậm chí nhiều nông dân, vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá hợp đồng khi thương lái trả giá cao hơn. Điều này khiến doanh nghiệp bị động khi ký hợp đồng với đối tác.

Hiện nay, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp trên thế giới đã có những bước tiến rất dài, mang lại hiệu suất canh tác cao như công nghệ sinh học, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến,..

Tuy nhiên, đa phần nông dân Việt hiện nay rất ngại thay đổi và vẫn trung thành với lối canh tác truyền thống, họ ngại rủi ro và cơ hội thì hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ. Canh tác nông nghiệp thường để phụ thuộc vào thời tiết, vào thị trường mà không làm chủ trên phương pháp canh tác hay ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý.

Cũng do quy mô đầu tư nhỏ nên nông dân thường không có cơ hội đầu tư máy móc, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất canh tác. Do đó, hiện nay 90% nông sản Việt vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị không cao so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác trong khu vực.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chỉ có một giải pháp duy nhất để nâng cao giá trị cũng như giải quyết bài toán “giải cứu nông sản” là phải tiến hành chế biến, có như vậy thì những vấn đề như bị sâu bệnh hay thời vụ ngắn không còn là trở ngại để nâng cao giá trị.

Trong đó, các nhà máy chế biến rau quả sẽ có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng; riêng về chăn nuôi sẽ có vốn đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, hiện nay, các nhà máy đang đảm bảo tiến độ để hình thành nền công nghiệp chế biến tinh và sâu tại Việt Nam.

Tuy nhiên để có thể làm được điều này, các chuyên gia nhận định điểm mấu chốt tiếp theo là cần tìm hiểu và nắm rõ nhu cầu của thị trường. Theo đó, điều mà thị trường cần ở các sản phẩm nông nghiệp hiện nay là các sản phẩm phải chuẩn, minh bạch và có thể truy xuất được nguồn gốc mọi lúc mọi nơi và bất biến.

Chẳng hạn Trung Quốc là một thị trường nằm ngay cạnh Việt Nam với quy mô hết sức rộng lớn, đối với xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam, thị trường này chiếm tỷ trọng lên tới 74%. Tuy nhiên, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều trong thời gian qua, không còn là một thị trường dễ tính.

Để thực hiện tốt việc chế biến nông sản, bà Hạnh khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải chú trọng hai vấn đề chính là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp hiện nay, thường sai ngay từ bước đầu khi đặt bài toán để nghiên cứu, và khi có kết quả cũng không biết phải phân tích sử dụng như thế nào.

Ngoài việc hỗ trợ, các chuyên gia còn cho rằng chính người nông dân cũng cần phải thực hiện đúng trách nhiệm trong việc phục vụ các tiêu chuẩn đã đặt ra, từ khâu phân bón, chăm sóc cũng như các quy trình kỹ thuật khác; chủ động tìm tòi các kiến thức về tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm và nhận định thị trường.

Ngoài ra, cần có sự liên kết, hợp tác chuyên nghiệp hơn giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, đặc biệt trong vấn đề bao tiêu sản phẩm có tính chất mùa vụ để đảm bảo một đầu ra ổn định hơn.

Duy Khánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024