ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ năm, 06h00 30/11/2023

Để phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hiện đại

(KDPT) - Nhìn chung, thị trường khoa học công nghệ ở nước ta mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao. Do đó, những năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thị trường khoa học công nghệ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp hỗ trợ phát triển.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường vẫn ở thuở sơ khởi

So với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, đặc biệt là các nước phát triển và với một số nước trong khu vực, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn chậm phát triển; thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ làm cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học gặp nhiều khó khăn; hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học còn hạn chế, dẫn đến sự khan hiếm nguồn cung hàng hoá khoa học, công nghệ; hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn hạn chế; các tổ chức trung gian còn yếu về năng lực, chưa có tổ chức trung gian chuyên ngành trong các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng, chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước để kết nối với thị trường khu vực và quốc tế; hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ còn lạc hậu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể tham gia; cổng thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật số của thị trường khoa học và công nghệ chưa được đầu tư phát triển ngang tầm.

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của thị trường khoa học và công nghệ trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ và toàn diện; cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; các tổ chức khoa học và công nghệ chưa chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hoá, thành năng lực sản xuất thực tế của xã hội; các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ chưa được quan tâm và đầu tư phù hợp; việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chưa được chú trọng; việc liên kết thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam với thị trường quốc tế chưa được quan tâm đúng mức; chưa huy động và phát huy được tiềm năng, "chất xám" của đội ngũ các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; chưa có được chính sách ưu đãi, cần thiết để thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường khoa học công nghệ được hình thành và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Đến nay, các chính sách về phát triển thị trường khoa học công nghệ được quy định chủ yếu tại 4 luật, 6 nghị định và 12 thông tư. Nguồn cung hàng hóa khoa học công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đã tăng đáng kể. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ.

Tuy vậy, nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường chưa được chuyển giao. Phần lớn kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường khoa học công nghệ còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Sự liên thông giữa thị trường khoa học công nghệ trong nước với thị trường khoa học công nghệ thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. (Ảnh minh họa)

Cần nhiều giải pháp căn cơ để phát triển thị trường khoa học công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thị trường khoa học và công nghệ đã trải qua hơn 10 năm phát triển với nhiều thách thức nhưng cũng nắm bắt được cơ hội và thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn cung - cầu và xây dựng cho các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ.

Thị trường khoa học và công nghệ cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ như tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao, gồm điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy (29%), ngành chế biến thực phẩm (28%)...

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, các chính sách, cơ chế pháp luật để điều chỉnh, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới nghiên cứu và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp đã có, quan trọng là việc áp dụng và triển khai ra sao trong thực tiễn.

Thực tế, đến nay, Việt Nam đã hội nhập và tham gia khá đầy đủ các hiệp định, điều ước quốc tế có liên quan đến thị trường khoa học và công nghệ như: Tham gia Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu tài sản trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của WTO tháng 1/2007; Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Ro-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm chống lại sự sao chép trái phép… Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế đã phần nào tác động tích cực đến việc gìn giữ thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, hạn chế tình trạng bắt chước, làm giả nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp; Nâng cao năng lực và khả năng đổi mới của các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam.

Để có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức mà việc hội nhập đem lại, trong 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt chú trọng sửa đổi, bổ sung và kiện toàn cơ sở pháp lý hỗ trợ khoa học và công nghệ và thị trường khoa học và công nghệ phát triển.

Điển hình như ngày 1/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) số 29/2013/QH13 thay thế cho Luật KH&CN số 21/2000/QH10. Tiếp theo đó, ngày ngày 9/11/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020.

Lý giải vì sao số lượng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học được thương mại hóa còn hạn chế, theo Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, thực tiễn nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của mình là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp hoặc tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp bởi không có nhiều nhà khoa học có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thường quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Với cơ sở vật chất của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước, mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, cần phải hiểu rõ bản chất đúng nghĩa "thị trường" và xác định thị trường khoa học và công nghệ có 3 vế gồm: Cung - cầu và công cụ kết nối giữa cung và cầu là môi trường được hiểu là các tổ chức trung gian, các sàn giao dịch...

Hiện cả nước có trên 800 tổ chức trung gian các loại đã được hình thành hoạt động trong thị trường này, trong đó có các sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học và công nghệ, nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp; nhiều trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp; các tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Thực tế, các vế của thị trường đã đủ nhưng vấn đề tại sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển. Điều này có thể lý giải thị trường khoa học và công nghệ chưa tuân thủ quy luật thị trường, nếu thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển.

Theo ông Phan Xuân Dũng, để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học và tài sản trí tuệ, cần phát triển hạ tầng quốc gia cho thị trường khoa học và công nghệ. Trong đó, việc hình thành và vận hành ba sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại ba miền đất nước được xem là tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, nhằm kết nối cung - cầu; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trưng bày, trình diễn, triển lãm, xúc tiến giao dịch sản phẩm khoa học và công nghệ.

Để phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập, có thể xem xét một số kiến nghị:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh: Rà soát lại hệ thống văn bàn pháp luật, chính sách về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh nhằm khắc phục ngay những quy định không thống nhất trong các văn bản; xoá bỏ những bất cập và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách này, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết như: nghị định, thông tư về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cạnh tranh nhằm thúc đầy sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các định chế quốc tế và khu vực (WTO, APEC, ASEAN...).

Thứ hai, hoàn thiện chính sách đầu tư từ NSNN cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Tăng cường đầu tư từ NSNN cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển các tổ chức trung gian và thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Nâng tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ ở từ NSNN hàng năm trong những năm tới lên mức 5-7 % tổng chi ngân sách ứng với 3% GDP.

Thứ ba, thực hiện chính sách ưu đãi thuế linh hoạt để thúc đẩy sự phát của thị trường khoa học và công nghệ. Cụ thể như: Miễn giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động đổi mới công nghệ (như: Sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm mới, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ); Miễn thuế cho các hoạt động trung gian, môi giới trên thị trường khoa học và công nghệ (như: triển lãm, giới thiệu sản phẩm mới).

Thứ tư, đảm bảo và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia thị trường khoa học và công nghệ tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Nguồn vốn này hướng vào việc phục vụ các chủ thể đi tiên phong trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, với các tiêu chí như lượng vốn và thời gian vay hợp lý, lãi suất ưu đãi và thủ tục vay linh hoạt.

Thứ năm, hoàn thiện chính sách nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam: Nhằm khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến và hạn chế những công nghệ cũ, lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam, Nhà nước cần ban hành quy định về thẩm định các công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam.

Phát triển thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Bởi phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ theo hướng đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập là giải pháp quan trọng để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng giúp khoa học và công nghệ gắn kết mật thiết với sản xuất, kinh doanh, chuyển hoá tiến bộ khoa học và công nghệ thành sức sản xuất tiên phong của xã hội trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024