ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h02 22/07/2020

Để trái cây ĐBSCL vươn ra thị trường thế giới

(KDPT) – Mặc dù diện tích cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lớn nhất nước, nhưng lượng trái cây xuất khẩu lại không nhiều. Một số loại quả của vùng vốn nổi tiếng thơm ngon nhưng chỉ có thể tiêu thụ tại thị trường nội địa, chưa được xuất khẩu sang thị trường các nước. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này, đâu là con đường để trái cây ĐBSCL vươn ra thị trường thế giới?

Nhiều loại trái cây vốn nổi tiếng thơm ngon, nhưng chưa được xuất khẩu. Ảnh: Internet

Thế mạnh tiềm năng

ĐBSCL hiện có diện tích trồng các loại cây ăn quả khoảng trên 288 nghìn ha, với sản lượng mỗi năm trên 3,18 triệu tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Theo các nhà khoa học, khu vực này có đủ các điều kiện thuận lợi để trồng cây ăn quả, tạo nguồn nông sản tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần nâng cao mức sống của người dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ĐBSCL có 14 loại quả có diện tích lớn (trên 10 ngàn ha/loại), trong đó lớn nhất là xoài (80 ngàn ha), chuối (78 ngàn ha), thanh long (53 ngàn ha), sầu riêng (47 ngàn ha), cam (44 ngàn ha), bưởi (44 ngàn hà), nhãn (35 ngàn ha), dứa (33 ngàn ha), chanh (27 ngàn ha), chôm chôm (25 ngàn ha), mít (20 ngàn ha), quýt (15 ngàn ha), bơ (14 ngàn ha), na (11 ngàn ha). ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam).

Vốn là khu vực chủ lực trồng cây ăn quả của phía Nam, trong gần 1 triệu ha cây ăn quả của cả nước thì toàn vùng ĐBSCL hiện chiếm khoảng 600.000 ha cây ăn quả, và trong 14 loại cây ăn quả chủ lực của cả nước thì ĐBSCL chiếm 9 loại.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, đến nay ĐBSCL có những mặt hàng quả tươi chủ lực xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính như: Thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn. Tuy nhiên, trong tổng số 14 loại quả chủ lực cho nâng suất cao của khu vực, thì loại quả được xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất ít, có nhiều loại quả vốn nổi tiếng của khu vực như: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, Ri 6, măng cụt, dứa,… Trái cây tươi chủ yếu tiêu thụ nội địa và không tránh khỏi tình trạng “đụng hàng, dội chợ”.

Nhiều thế “gọng kìm” cho ngành xuất khẩu

Là doanh nghiệp đưa nhiều trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ: “Các nước rất chú trọng tiêu chuẩn an toàn trong sản phẩm xuất khẩu và cả sản phẩm sử dụng trong nước. Họ đã xây dựng được thói quen sản xuất và tiêu dùng thực phẩm là phải sạch. Trái cây nước ngoài buộc phải đầu tư công nghệ bảo quản an toàn từ khâu thu hoạch đến khi ra siêu thị. Ngược lại, mạng lưới thu hoạch và phân phối của nước ta rất ít nơi làm được những vấn đề này để có thể nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Có rất nhiều nguyên nhân, như: Nông dân sản xuất không ổn định sản lượng, chất lượng bấp bênh và thiếu nhà máy chế biến, xử lý đạt chuẩn xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, nhưng lại thiếu chính sách, nguồn vốn. Thật vậy, mặc dù là vùng sản xuất trái cây chiếm diện tích và giá trị lớn nhất cả nước, tuy nhiên, ĐBSCL đang gặp một số khó khăn trong việc xuất khẩu các loại trái cây khác sang thị trường các nước.

Hiện nay, đại đa số sản lượng trái cây sản xuất của ĐBSCL được sử dụng dưới dạng ăn tươi, chế biến rất hạn chế, điều này cũng trở thành điểm yếu trong xuất khẩu trái cây đi các thị trường xa và khó tính. Đối với nhiều loại trái cây, do có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị tổn thương và tỷ lệ hư hỏng cao, trong điều kiện khâu chế biến thiếu và công nghệ sau thu hoạch kém, đã và đang dẫn đến nhiều phiền toái cho nhà vườn và các doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Những mặt hạn chế trên đã làm giảm khả năng tiếp cận thị trường cho các mặt hàng cây ăn quả của vùng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Do công tác quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mới chỉ giới hạn ở một vài cây và một vài địa phương chưa phát huy được sức mạnh thật sự của vùng chuyên canh và sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa. Sản xuất trái cây an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tuy đã hình thành tại các vùng trồng cây ăn trái, nhưng diện tích trồng đạt theo quy trình này còn rất hạn chế, phần lớn diện tích trồng chưa áp dụng các quy trình sản xuất sạch như GlobalGAP, VietGAP;…

Hơn nữa, rau quả chủ yếu tiêu thụ tươi, nhưng tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hiện nay còn quá lớn (25-30%), do việc canh tác trước thu hoạch của người dân còn lạm dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; việc đóng gói, vận chuyển của doanh nghiệp nhiều nơi còn quá thô sơ, lạc hậu, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm chế biến chưa nhiều, mỗi nhà vườn có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, dẫn đến tình trạng trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng và độ an toàn thực phẩm khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp rất khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo, đồng đều đáp ứng đủ yêu cầu, chất lượng cho xuất khẩu. Ngoài ra, thực trạng cây giống không đồng nhất, dẫn đến chất lượng trái biến động cũng là vấn đề cần quan tâm trong sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL hiện nay.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trái cây ngày càng khắt khe về chất lượng và nhất là yếu tố an toàn thực phẩm, nếu không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sản xuất theo hướng an toàn thì đây sẽ là một thách thức lớn trong việc duy trì xuất khẩu ở mức cao và bền vững cho ngành sản xuất cây ăn trái.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: “Khâu cốt yếu nhất hiện nay là làm sao chúng ta phải đưa nông dân vào các hợp tác xã để liên kết sản xuất thành những vùng đáp ứng cung ứng sản phẩm xuất khẩu. Vì nhà xuất khẩu không thể đi ký từng hợp đồng, thu mua sản phẩm với từng cá nhân đơn lẻ được”.

Để phát triển phù hợp với tiềm năng của một vựa trái cây lớn nhất cả nước, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL phải quy hoạch lại sản xuất hướng đến đi vào sản xuất lớn, có chứng nhận nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu kho học chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.

MỸ HUYỀN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024