Đề xuất hướng phát triển cho ngành thiết kế vi mạch Việt Nam
Công nghệ vi mạch là lĩnh vực góp phần đáng kể vào tổng sản lượng quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghệ khác trong cơ giới hóa và điện tử hóa vì hầu như tất cả các thiết bị hiện dùng đều có sự hiện diện của vi mạch bên trong.
Vi mạch là một sản phẩm công nghệ cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Nếu chủ động thiết kế các sản phẩm vi mạch điện tử có chức năng đa dạng và cập nhật công nghệ hiện đại nhất của thế giới sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam.
Theo TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó khoa điện – điện tử, Đại học Bách khoa TP.HCM, ngành vi mạch hiện có ba loại hình kinh doanh gồm phần mềm thiết kế, sản xuất và đóng gói, thiết kế vi mạch. Thiết kế vi mạch là công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất (Khoảng 50%) và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp nhất, khoảng 6%. Ông nói: “Việt Nam cần phát triển ngành vi mạch ở công đoạn thiết kế với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động sáng tạo”.
Các đại biểu tìm hiểu một số sản phẩm vi mạch giới thiệu tại hội thảo sáng 21/10. |
Trong buổi hội thảo, ông Cường đưa ra đề xuất hai hướng phát triển, một là thiết kế các loại chip phổ biến mà các doanh nghiệp trong nước đang sử dụng, vì đây là nhu cầu có sẵn. “Doanh nghiệp chỉ chọn chip có chất lượng cao, giá thành rẻ” ông nói nhà nước cần tham gia bảo hộ cho các chip được thiết kế trong nước, đảm bảo đầu ra khi thương mại hóa. Để phát triển các dòng chip mới phục vụ tạo lợi thế cạnh tranh, ông Cường cho rằng cần một đội ngũ nhân lực không chỉ biết sử dụng phần mềm thiết kế, kiểm tra chip…mà cần cả kiến thức trong nhiều ngành khoa học và kinh nghiệm thực tế để hiểu được tính năng của chip khi vận hành.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban nghiên cứu phát triển Viettel cho rằng, với kinh nghiệm thực hiện các dự án vi mạch, nhân lực rất quan trọng. Khi bắt đầu dự án, nhân lực của ông rất hạn chế, chỉ có 5 người làm lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau nhiều năm thu hút chuyên gia người Việt trong và ngoài nước số lượng đã lên đến hơn 60 người. Ngành sản xuất vi mạch của Việt Nam cũng đang phải đối diện những khó khăn lớn, trong đó rào cản lớn vẫn là nguồn nhân lực. Hiện nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu, nhất là các kỹ sư giỏi, vì thế, các doanh nghiệp đều đang rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” và gần như luôn phải “giành giật” trong việc thu hút lao động.
Theo ông Hải, doanh nghiệp cần xác định thị trường ngách để thiết kế chip, phục vụ cho nhu cầu một ngành, lĩnh vực cụ thể. “Hiện chúng tôi phát triển chip cho các thiết bị 5G, radar, vệ tinh,… đang thử nghiệm và sẽ trở thành sản phẩm thương mại trong một đến hai năm tới”.
Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 đang phổ biến trên toàn cầu. Với hơn 200 nhân viên làm trong lĩnh vực vi mạch tại một số doanh nghiệp như Viettel, FPT,.. cùng với đó khoảng 30 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc,…với đội ngũ hơn 5000 kỹ sư. Theo đánh giá, đây là con số còn khá khiêm tốn trong ngành thiết kế vi mạch . Với tình trạng “khát” nhân lực như hiện nay, khu công nghệ cao TP.HCM cùng công ty Synopsys phối hợp tổ chức đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch , cung cấp phần mềm thiết kế phục vụ hoạt động đào tạo với mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.