Kết nối chuyên gia Việt kiều giúp startup Việt khởi nghiệp toàn cầu
Hội thảo là dịp để nhìn lại và tổng kết một số kết quả của chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, kết nối cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời thảo luận một số giải pháp để thu hút nguồn vốn, nhân tài trong và ngoài nước hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Qua đó, tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động thu hút, kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; liên kết các mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế cùng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia; khuyến nghị các chính sách hỗ trợ cho nhân tài và chuyên gia trong chương trình từ cơ sở dữ liệu toàn dân…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi một số bài toán của địa phương, doanh nghiệp, làm sao để chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ, giải quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi về vấn đề liên kết dữ liệu; khuyến nghị chính sách hỗ trợ nhân tài của mạng lưới Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu trong chính sách quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: “Để tiếp tục triển khai những kết quả đạt được, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia, trí thức trên khắp các châu lục. Phải làm sao biến những nỗ lực kết nối này thành nhiều kết quả thực tiễn hơn nữa. Chúng ta không dừng ở mức sân chơi, mà cần biến những hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo thành thị trường, thương trường mới. Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sang tiếp tục đồng hành cùng quý vị”.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức đã phát động chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu năm 2025, với các tiêu chí tuyển chọn mentor như: Có kinh nghiệm trong việc cố vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề công nghệ, thị trường, vốn, tài chính; cam kết được về thời gian tham gia chương trình (dự kiến tối thiểu 4 giờ cố vấn/tháng); ưu tiên các cố vấn được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu.
Dựa trên thông tin trong đơn đăng ký tham gia chương trình của các startup, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và ghép cặp phỏng vấn giữa mentor cố định với startup; việc kết nối mentor và mentee sẽ được triển khai trên nền tảng do Ban Tổ chức xây dựng và vận hành.
Được biết, “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu (mentor) với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn (mentee) để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.
Chương trình đã được triển khai trong giai đoạn 2021-2023 với sự tham gia của 17 mentor giàu kinh nghiệm, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, như Việt Nam, Australia, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)... Chương trình cũng đã kết nối 20 startups tiềm năng trên khắp các nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như blockchain, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông...
Điểm thu hút của chương trình là những chuyên gia, mạng lưới tri thức kiều bào sẽ cung cấp tư duy và tầm nhìn về thị trường toàn cầu để các startup Việt có thể “go global”. Các giải pháp, sản phẩm sáng tạo từ chương trình sẽ được giới thiệu hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng như VietinBank cùng kết nối để giải quyết các vấn đề của chính quyền địa phương thông qua chuỗi sự kiện TECHFEST, hướng tới giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu./.
- Ra mắt mô hình doanh nghiệp giúp sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội khởi nghiệp
- VinFuture tiếp thêm động lực theo đuổi khoa học cho nhà nghiên cứu trẻ