ISSN-2815-5823
Thứ hai, 02h21 10/02/2020

Dịch viêm phổi Vũ Hán và thách thức cho dòng thương mại 100 tỷ USD

(KDPT) – Dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra (hay còn gọi là bệnh viêm phổi Vũ Hán) đang khiến dòng thương mại Việt – Trung tắc nghẽn. Với quy mô thương mại hai chiều lên tới hơn 100 tỷ USD, thiệt hại kinh tế do dịch bệnh sẽ là không nhỏ.

Dịch viêm phổi Vũ Hán và thách thức cho dòng thương mại 100 tỷ USD (ảnh minh họa)

Ba hôm trước ấm như lửa, ba hôm nữa lạnh như băng

Ngày 25/1/2020, cả nước nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Trước đó 2 ngày, bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) công bố thông tin đang điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (là người Trung Quốc). Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, mối đe dọa toàn cầu, chính thức xuất hiện tại Việt Nam, ngay trước thềm năm mới.

Trước thềm năm mới, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Ông Nguyễn Công Trưởng – phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, xác nhận đến ngày 22/1/2020 (tức 28 Tết), tại các cửa khẩu của Lạng Sơn không còn bất cứ xe hàng nào tồn đọng.

Nhưng từ sau Tết, tình hình đã quay ngược 180 độ. Cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) những ngày đầu tháng 2, có hàng nghìn tấn nông sản ùn ứ. Trung Quốc đã đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1/2020 – 8/2/2020 và có thể đóng dài hơn nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu.

Trong 333 xe nông sản đang chờ được thông quan, có 190 xe chở trái thanh long. Thứ quả này đang là nạn nhân trực tiếp của dịch bệnh. Được biết từ nay đến hết rằm tháng Giêng (tức ngày 8/2/2020), tại tỉnh Long An, lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn; đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2, thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn… Số phận của hàng vạn tấn thanh long neo chặt vào diễn biến của dịch bệnh và viễn cảnh “giải cứu thanh long” đang hiện ra trước mắt.

Nhưng không chỉ có thanh long và nông sản!

Du lịch, hàng không là hai ngành đặc biệt nhạy cảm với Trung Quốc cũng đang hứng chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam hôm 30/1/2020 đã tuyên bố tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc. Và từ ngày 1/2/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã hủy toàn bộ phép bay đã cấp và tạm dừng cấp phép các chuyến bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI còn cho rằng các lĩnh vực dệt may, bán lẻ, bia, thủy sản… cũng đều ít nhiều bị tác động tiêu cực bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.

Toàn bộ nền kinh tế trở nên căng thẳng ngay từ những ngày đầu năm!

Thách thức cho xuất nhập khẩu năm 2020

Không quá khi nói rằng nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc là một chiếc bình thông nhau. Trung Quốc vừa là thị trường đầu vào nguyên liệu vừa là thị trường tiêu thụ quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Mối quan hệ chặt chẽ về giao thương giữa hai nước thể hiện rõ nét ở tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 116 tỷ USD trong năm 2019 (năm thứ hai liên tiếp tổng kim ngạch đạt trên 100 tỷ USD), trong đó: giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam là 41,4 tỷ USD và giá trị Việt Nam nhập khẩu là 75,4 tỷ USD.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 517 tỷ USD, có thể thấy chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019. Và chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã làm Việt Nam thâm hụt 34 tỷ USD.

Nhìn vào mối quan hệ kinh tế như trên có thể mường tượng ra phần nào thiệt hại của Việt Nam khi Trung Quốc chìm trong đại dịch và không lấy làm bất ngờ với sự “khốn đốn” của một số lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Bộ Công Thương hôm 3/2/2020 đã nhận định hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán từ 6 đến 8 tháng! Trước mắt, với nhóm hàng nông sản, các giải pháp mà phía Việt Nam nỗ lực thực hiện nhằm “giải cứu” vẫn chưa mang lại nhiều kết quả.

Và nếu xét mục tiêu năm 2020, ngành Công Thương muốn tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7-8% so với năm 2019, thì sẽ thấy mục tiêu này đang gặp thách thức không hề nhỏ.

Nói với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại của kinh tế Việt Nam.

“Tất nhiên quý I/2020, lưu lượng hàng hóa Việt – Trung sẽ bị giảm mạnh nhưng nếu tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt vào cuối quý này thì chúng ta không quá lo ngại về mục tiêu xuất nhập khẩu năm nay, vì thương mại hai nước vốn tăng trưởng rất mạnh và nhiều tiềm năng”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng để ngỏ rằng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng thì “sẽ rất khó nói”.

“Kịch bản xấu hơn thì thậm chí chúng ta tăng trưởng âm về xuất nhập khẩu (so với năm 2019). Chuyện đó cũng bình thường, vì cuộc sống có những rủi ro mình không kiểm soát hết được”.

Ông Thành cho rằng để ứng phó với tình hình hiện tại, Chính phủ có 2 nhóm giải pháp lớn. Một là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để lái hàng hóa Việt Nam khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây là giải pháp Việt Nam đã nỗ lực thực hiện từ trước khi có dịch bệnh.

Giải pháp thứ hai Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam cần cự trước diễn biến của dịch bệnh, chuẩn bị sẵn để khi giao dịch để mở lại, các doanh nghiệp có thể thực hiện ngay các hoạt động giao thương.

Bình luận về đề xuất ưu đãi thuế, phí của Bộ Công Thương, ông Thành cho rằng “vẫn còn quá sớm để thực hiện các ý tưởng này”.

“Tác động của dịch bệnh không giống khủng hoảng kinh tế. Chúng ta cứ chuẩn bị phương án như vậy nhưng tôi nghĩ phải bình tĩnh đã, chưa phải làm ngay. Vì nếu thực hiện các biện pháp này trong nóng vội, ta có thể làm méo mó thị trường, thậm chí làm nảy sinh tham nhũng”, ông Thành nói.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024