Đình làng Phú Vinh (Hoài Đức, Hà Nội) - Nơi hội tụ và lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian
Đầu xuân, trong tiết trời tươi tắn, lòng người như chộn rộn hơn với những hi vọng về một năm mới tốt đẹp. "Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình", như thúc giục mỗi người tụ hội về trung tâm của làng khi vào dịp lễ hội.
Trong cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, những ngôi đình làng luôn là niềm tự hào của người dân. Con cháu trong làng, nhiều người đi làm ăn xa, nhưng cứ đến ngày hội làng, ngày giỗ thành hoàng làng, họ lại cố gắng thu xếp trở về tham gia lễ hội, thăm hỏi người thân… Có thể nói, đình làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian… và là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã Việt Nam.
Tọa lạc ở thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đình làng Phú Vinh cũng giống như bao ngôi đình khác trên đất nước, là nơi để đến, chốn đi về đối với người làng.
Hằng năm, ngày 11, 12, 13 tháng Giêng là dịp tổ chức lễ hội đình làng Phú Vinh. Trong đó, ngày 12 là lễ tế chính, dâng hương. Đồng thời, mỗi 5 năm một lần làng lại tổ chức hội lớn. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Phú Vinh thờ Lý Bát Lang (Nhã Lang Vương), là con trai của Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế). Đình đã có từ lâu đời. Đây là một trong số hàng chục làng (có thuyết cho rằng 72 làng) có thờ vị hoàng tử này, bao gồm 3 làng khác cùng ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức và các đình nổi tiếng như Chu Quyến, Đình Ngọc Mạch...
Đình làng Phú Vinh |
Có thể nói, đình làng Phú Vinh không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, “cây đa - bến nước - sân đình” là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là biểu tượng của quê hương, đất nước. Bởi vậy, mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số, nằm ngay gần Đại lộ Thăng Long và khu đô thị Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Geleximco... nhưng nét làng quê Bắc Bộ xưa vẫn được lưu giữ và phát triển tại Phú Vinh. Đó là những ngõ nhỏ được lát gạch, những ngôi nhà với dáng dấp xưa với hương bưởi ngào ngạt. Quan trọng hơn, tình cảm làng xóm, cộng đồng vẫn luôn bền vững.
Người dân đến lễ tại đình Phú Vinh. |
Dịp lễ hội, rất đông người dân tới thành kính dâng hương, chiêm bái. Những câu chuyện về một năm cũ và niềm tin cho năm mới được trao gửi ở đình làng. Trong thời đại số, mọi thứ đều diễn ra với tốc độ chóng mặt, những kết nối tâm linh và thực tế cần phải nói thẳng rằng đã có sự mai một nhất định. Do đó, lễ hội, đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, cần được trân trọng và phát huy.
Nghi thức tế lễ tại đình làng Phú Vinh. |
Được biết, đình làng Phú Vinh là một trong những cơ sở cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã được sử dụng để cất giữ quân nhu. Khi đó, dân làng đã rước thành hoàng ra thờ tại chùa. Sau này, khi chiến tranh đi qua dân làng lại yên vị ngài tại đình như cũ.
Hiện nay, đình làng Phú Vinh vẫn giữ được Huy chương kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký. Đó là minh chứng rất rõ nét cho sự đồng hành, đóng góp với lịch sử cách mạng dân tộc của đình làng và nhân dân làng Phú Vinh.
Huy chương kháng chiến hạng Nhất của đình làng Phú Vinh. |
Đình làng là hình ảnh mang tính biểu tượng cho một nét văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam. Dù cho trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm với biết bao biến cố lịch sử thì đình làng vẫn ở đó, không chỉ gắn bó với đời sống thường nhật của mỗi người dân mà còn mang đậm yếu tố tâm linh, trở thành một phần vô cùng quan trọng, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của người Việt./.