Doanh nghiệp bất động sản chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất 3 tháng đầu năm
Thông tin trên được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết tại báo cáo cập nhật về tình hình phát hành trái phiếu tháng 3/2024.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 29/03/2024, có 7 đợt phát hành TPDN trong tháng 3 năm 2024 với tổng giá trị đạt 8.745 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 15.710 tỷ đồng, với 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 16,9% tổng giá trị phát hành) và 14 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 13.060 tỷ đồng (chiếm 83,1% tổng số).
Ở chiều ngược lại, trong tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 8.031 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 21.834 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2023. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 47,9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 10.468 tỷ đồng).
“Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 211.084 tỷ đồng. 37% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 78.585 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 53.847 tỷ đồng (chiếm 26%)”, VBMA cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, dữ liệu được công bố trên HNX cho thấy, năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu nghìn tỷ đồng đáo hạn; trong đó có rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết hoặc mới thành lập.
Điển hình như lô trái phiếu mã SDICB2124001 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) với tổng mệnh giá 6.574 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 15/12/2024. Đây cũng là lô trái phiếu có giá trị đáo hạn lớn nhất năm nay.
Lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5.760 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill đáo hạn vào ngày 15/4/2024. Lô trái phiếu mã NAN12301 với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An đáo hạn vào tháng 9/2024…
Đáng chú ý, mặc dù năm 2024 sẽ là đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong số này lại khá bết bát. Điều này đặt ra băn khoăn về khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của các doanh nghiệp.
Cụ thể, như đã nêu ở trên, là doanh nghiệp có lô trái phiếu đáo hạn lớn nhất năm 2024 (6.574 tỷ đồng) song số liệu kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp, chủ đầu tư của siêu dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An - tên thương mại The Global City) lại không mấy tích cực.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế gần 5.402 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ sau thuế lớn nhất trong 3 năm gần đây của công ty.
Trước đó, trong năm 2021 và 2022, SDI Corp lần lượt báo lỗ sau thuế ở mức 153,4 tỷ đồng và 3.096,2 tỷ đồng.
Việc tiếp tục lỗ nặng trong nửa đầu năm 2023 đã khiến vốn chủ sở hữu của SDI Corp tại thời điểm ngày 30/6/2023 chuyển âm 1.557 tỷ đồng, trong khi thời điểm cuối năm 2022 vẫn ở mức dương 749 tỷ đồng.
Không chỉ âm vốn chủ sở hữu, SDI Corp còn duy trì tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 ở mức âm 62,37 lần, tương ứng nợ phải trả khoảng 97.100 tỷ đồng. Năm 2022, hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 128,72 lần, tương đương nợ phải trả ở mức 96.382 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu duy trì ở mức 6.570 tỷ đồng./.
- Sắp kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh casino, công ty kinh doanh xổ số
- Để “bứt phá” về chuyển đổi số, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cần chuẩn bị gì?
- Chuyển đổi IPv6 là không thể chậm trễ cần sự đồng lòng các cơ quan, doanh nghiệp