Doanh nghiệp công nghệ nỗ lực đồng hành cùng định hướng, quy hoạch và xây dựng smart city
Thành phố thông minh được tạo bởi các yếu tố chính, gồm: Quản lý - tổ chức (chính quyền điện tử); công nghệ (các dịch vụ và hạ tầng); cộng đồng dân cư (chủ thể chính, những công dân hiện đại); nền kinh tế thông minh; hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông; và môi trường tự nhiên.
Doanh nghiệp công nghệ nỗ lực đồng hành
Chủ trương, chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững đã được đưa ra từ tháng 8/2018 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 và Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh- IOC cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện.
Thông thường khái niệm “Thành phố thông minh” (smart city) là thành phố có những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI, SMAC… giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp. |
Ở một thành phố thông minh, chính quyền sẽ xây dựng nguồn dữ liệu chung đáng tin cậy để làm cơ sở ra các quyết định dài hạn mang tính chiến lược. Dữ liệu lớn và tin cậy được xem là điều kiện cần cho một thành phố thông minh.
Các công nghệ chủ yếu cấu thành nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, Big Data và Sensor; công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR). Trong đó, công nghệ AI có thể cung cấp thông tin thời gian thực, học máy và thuật toán, giúp các hệ thống trong thành phố trở nên hiệu quả và an toàn hơn, đáp ứng nhanh chóng và dễ dàng hơn nhu cầu, cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân.
Các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng smart city. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp đang đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng smart city. Các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đã hợp tác với 45 tỉnh, xây dựng 36 IOC cấp tỉnh, và 45 IOC cấp huyện. Viettel đã khai trương IOC cho hơn 30 địa phương. FPT cũng đang nỗ lực tư vấn cho các thành phố đưa tính thông minh và hạt nhân AI vào trong quy hoạch, phát triển đô thị.
Phát biểu tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11 với chủ đề "Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA - Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, hội nghị diễn ra vào thời điểm Hà Nội có cơ hội sẽ là điểm sáng nhất trong hệ thống về trí tuệ nhân tạo và chip. Để thực hiện được sứ mạng vẻ vang này, thành phố thông minh là nhân tố mang tính quyết định. Hà Nội còn có vai trò dẫn dắt các thành phố khác trong công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đi vào công nghệ cao, công nghệ lõi (trí tuệ nhân tạo và bán dẫn).
“Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần xin được một cơ chế rất đặc thù, vượt trội để thu hút tài năng của Việt Nam, của thế giới của cộng đồng Việt kiều. Hà Nội cũng cần phải đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực để không chỉ làm thành phố thông minh cho chính mình mà còn sáng tạo ra phần cứng, phần mềm, nguồn nhân lực để làm tất cả các thành phố trong khu vực và trên thế giới thông minh hơn. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả các công ty CNTT ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới phát triển”, ông Trương Gia Bình khẳng định.
Tuy nhiên, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến: Đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.
Từ góc tiếp cận, dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như đặc thù của từng đô thị tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần có một lộ trình thông minh hóa và phát triển đô thị bền vững, có sức chống chịu cao, gắn việc quản lý, quản trị với việc xây dựng hạ tầng dữ liệu để kết nối liên thông và khai thác hiệu quả.
Gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương
Việt Nam có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Thực tế hiện nay, Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển Kinh tế Xã hội xứng tầm Thủ đô. Trong khi thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…
Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số. Hiện tại, dữ liệu vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được trú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế - xã hội mới.
Ảnh minh họa. |
Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị... Để đạt được những nội dung này, các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch phát triển đô thị, thành phố.
Cũng tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Xây dựng chính quyền phục vụ vì sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp; với nền kinh tế năng động, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng ngày càng lớn…
Theo Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.
Trước những biến chuyển không ngừng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ số và công nghệ khai phá dữ liệu ngày càng hiện diện sâu rộng trong mọi mặt đời sống, khả năng phân tích và khai thác dữ liệu ngày càng cao, lãnh đạo TP. Hà Nội hy vọng, các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý, các tổ chức, các chuyên gia trong nước và ngoài nước chia sẻ các khuyến nghị, kinh nghiệm, bài học thực tiễn hữu ích đối với TP. Hà Nội trong việc lựa chọn và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh, bao trùm, bền vững.
Từ đó xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn bởi các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Phát triển đô thị thông minh bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm; người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia./.