ISSN-2815-5823
Thứ hai, 05h27 21/01/2019

Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước CPTPP?

(KDPT) – Ngày 20/1, tại tòa nhà Văn phòng Quốc hội (22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE); Câu lạc bộ các nhà công thương Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn “Hiệp định Đối tác, toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?”.

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương; PGS.TS. Ngô Trí Long; TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, cùng đại diện của hơn 40 hiệp hội, ngành nghề và hàng trăm doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp trong cả nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển (IDE); Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà công thương Việt Nam cho rằng: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile (3/2018) là sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và Hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam. Với sự tham gia của 11 quốc gia xuyên hai bờ Thái Bình Dương, với mức độ và phạm vi cam kết sâu rộng dẫn đến môi trường và điều kiện kinh doanh toàn cầu nói chung và các quốc quốc gia trong khối CPTPP nói riêng có nhiều thay đổi. Điều này vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) phát biểu khai mạc diễn đàn.

Theo các chuyên gia, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước… Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Tuy vậy, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, khối doanh nghiệp trong nước phải xây dựng chiến lược dài hạn, nâng cao năng lực thâm nhập hàng hóa, phát triển kinh doanh ra bên ngoài bằng việc cải tiến công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá cả cạnh tranh, tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc.

Tại diễn đàn, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết, ngày 27 tháng 12 năm 2018, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính Phủ dự thảo Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP xem xét và phê duyệt. Đồng thời Bộ Công Thương đang xây dựng Cổng thông tin điện tử về các FTA mà Việt Nam đang tham gia (bao gồm Hiệp định CPTPP). Dự kiến Cổng thông tin này sẽ sớm được giới thiệu và vận hành chính thức trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trong thời gian tới. Bà Mai cũng cho rằng, để chủ động với CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ ở các lĩnh vực truyền thống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy quản lý kinh doanh; xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp ứng tốt với Hiệp định này.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức làm hai phiên. Tại phiên một, các diễn giả và đại biểu tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề nội dung, tác động của hiệp định CPTPP đến kinh tế Việt Nam, các vấn đề về chính sách liên quan đến Hiệp định. Ở phiên 2, diễn đàn đề cập đến các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp – những việc cần làm, những khó khăn vướng mắc khi nắm bắt cơ hội từ CPTPP. Trong đó, phiên một với sự chủ trì của T.S Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và bà Phạm Quỳnh Mai đã tập trung làm rõ tác động của Hiệp định CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Các diễn giả tham gia phiên một của diễn đàn.

Các đại biểu cũng thẳng thắn đặt câu hỏi cho diễn giả đối với các lĩnh vực như: dược phẩm, nhập khẩu, vấn đề kí quỹ của doanh nghiệp…

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại diễn đàn.

Tại phiên hai, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành và Ngô Trí Long đã cùng doanh nghiệp đi sâu vào thực tiễn. Các diễn giả đã giải đáp và tư vấn cho doanh nghiệp những khó khăn, những lợi ích mà CPTPP sẽ đem lại cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể như: nông sản, xuất khẩu…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (trái) và chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (giữa) tại phiên hai của diễn đàn.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng có những trao đổi xoay quanh việc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất nhất trong tiến trình tiếp cận và khai thác tối đa lợi ích của CPTPP.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (trái) trao đổi cùng các doanh nhân tham dự diễn đàn.

Diễn đàn đã ghi nhận những ý kiến, lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp trong thực tế quá trình hội nhập của doanh nghiệp để tham vấn các chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh trong nước, thâm nhập thị trường quốc tế.

Đồng hành cùng chương trình có sự tham gia của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), là đơn vị thành viên thuộc Tập Đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. Trong nhiều năm qua, PV GAS có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, khẳng định vị thế của mình trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, trong buổi tối cùng ngày đã diễn ra Gala dinner với sự tham gia của các đại biểu. Tại chương trình, Ban tổ chức đã tiến hành bán đấu giá một số vật phẩm có giá trị do các doanh nghiệp, các nghệ nhân ủng hộ để gây quỹ giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Gala dinner cũng đã khép lại diễn đàn “Hiệp định đối tác, toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình dương CPTPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam”, qua đó góp phần để doanh nghiệp Việt Nam tự tin, tăng thêm nội lực bước vào “sân chơi” xuyên Thái Bình Dương đồng thời sẵn sàng nắm bắt thời cơ để phát triển cùng kinh tế đất nước trong xu thế phát triển đầy sôi động của quốc tế.

Duy Khánh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024