Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh.

Được biết, bà đã hoạt động trong lĩnh vực quản lý, cho thuê văn phòng hơn chục năm qua. Ở vị trí đắc địa được coi là Trung tâm Công nghệ cao của thành phố Hà Nội, thu hút các hoạt động dịch vụ, trong đó có lĩnh vực văn phòng, tình hình kinh doanh của công ty như thế nào trong năm 2021?

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh: Đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quản lý, cho thuê văn phòng là phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu thuê văn phòng của các doanh nghiệp, mà các DN có hoạt động SXKD tốt có hiệu quả thì họ mới có nhu cầu thuê văn phòng. Để hoạt động hiệu quả, chúng tôi vừa phải tiết kiệm các chi phí quản lý lại phải nâng cao chất lượng phục vụ thì mới có thể cạnh tranh với các đơn vị cùng lĩnh vực. Khi chưa có dịch, chúng tôi ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng diện tích mặt bằng lớn, thời gian thuê ổn định từ 3-5 năm, tiến độ thanh toán đảm bảo đúng hạn. Nhưng từ hai năm trở lại, nhất là từ giữa năm 2021 đến nay, hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng bị tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Nhiều khách hàng cũ xin hỗ trợ giảm giá, hoặc giảm bớt một phần hoặc một nửa diện tích đã thuê, thậm chí có những đơn vị đã thuê ổn định từ 5, 7 năm trước xin trả lại mặt bằng. Cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khách hàng muốn cắt giảm chi phí, thậm chí chấp nhận quay lại mở văn phòng ngay tại xưởng sản xuất. Còn đối với khách hàng mới cũng phải cân nhắc chỉ thuê diện tích vừa phải, thời gian thuê khoảng 01 năm. Mặc dù ở vị trí trung tâm, nếu trước đây mặt bằng ít khi để trống nhưng bây giờ cố gắng lắm thì tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ được 60 – 70%.

Như vậy, có thể thấy khá rõ bức tranh khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh. Để có thể vượt qua, bà đã có những biện pháp gì để hỗ trợ các khách hàng cũ và bắt tay với các khách hàng mới?

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh: Chúng tôi luôn cảm thông, chia sẻ cùng các đối tác, khách hàng của mình. Cái khó của đơn vị làm dịch vụ như chúng tôi thể hiện ở một số khía cạnh như: Tỷ lệ lấp đầy diện tích cho thuê bị giảm, đơn giá cho thuê giảm, khách hàng chậm thanh toán trong khi đó thì chi phí quản lý tăng do phải mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch như: BHLĐ, vật tư sát khuẩn, tăng cường nhân lực vệ sinh khử khuẩn… Tuy nhiên, với phương châm “An toàn của khách hàng cũng là An toàn của mình” nên tôi chỉ đạo Ban quản lý toà nhà tích cực, chủ động phòng chống dịch theo đúng các hướng dẫn, Quy định của Chính phủ. Thời gian đầu, việc kiểm tra nhiệt độ hàng ngày bằng thủ công làm tăng nguy cơ lây chéo…nên chúng tôi quyết định đầu tư mua thiết bị tự động nhằm hạn chế rủi ro. Tại các vị trí ra vào toà nhà luôn có khẩu trang, nước sát khuẩn… Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật các hướng dẫn cần thiết áp dụng hàng ngày trong công tác phòng chống dịch. Tăng cường công tác vệ sinh, tăng cả về số lượng người và tần suất vệ sinh các khu vực đông người tiếp xúc… Nhờ có sự chủ động sẵn sàng tăng chi phí để kịp thời áp dụng các biện pháp an toàn nên ngay cả khi quận Cầu Giấy nằm trong vùng “cam” chúng tôi cũng đã xử lý công tác phòng dịch một cách chủ động, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều đó góp phần tạo niềm tin của các khách hàng đến và làm việc tại tòa nhà.

Đứng trước khó khăn chung của các doanh nghiệp, chúng tôi cũng chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề trực tiếp chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19 như giảm giá từ 10 đến 50%, linh hoạt trong thanh toán, hỗ trợ chậm trả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trả lại hoặc giảm diện tích thuê…

Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản lý, cho thuê văn phòng, bà đã nhận được hỗ trợ gì của Chính phủ để vượt qua giai đoạn này?

Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Thanh: Tình hình dịch bệnh căng thẳng, kéo dài ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bản thân tôi là một doanh nghiệp nhỏ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp cũng như chăm lo đời sống cho CBCNV lao động kéo dài. Nhưng so với các doanh nghiệp SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp SXKD trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Covid-19, tôi thấy mình còn may mắn hơn. Bản thân tôi nghĩ rằng, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cần thiết kịp thời cho người dân, các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác trong xã hội. Năm 2021, doanh nghiệp chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ miễn giảm 30% tiền thuê đất trong năm, người lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.Người dân Việt nam chung ta có câu “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, vì vậy trong hoàn cảnh hiện nay mỗi doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ dù ít hay nhiều cũng đều rất trân quý. Mỗi chúng ta hãy nhìn vào những tổn thất, đau thương diễn ra hàng ngày do bị ảnh hưởng bởi dịch Cocvid-19 không chỉ về tiền bạc hay công việc mà còn bị thiệt hại cả về con người… Bởi vậy chúng ta hãy luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam.

Bà có mong muốn gì khi năm mới Nhâm Dần 2022 đang tới gần?

Tôi nghĩ mong muốn của mình cùng chung với toàn nhân loại: Đó là dịch bệnh qua mau, chúng ta có thuốc để khống chế và chung sống với dịch như một bệnh thông thường. Như vậy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu giao lưu của con người không bị hạn chế. Tôi cũng rất mong tiếp tục nhận nhận được sự đồng hành của Chính phủ để các doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thách thức thường đi kèm cơ hội. Mỗi doanh nghiệp sẽ tìm ra cơ hội cho chính mình để ổn định và phát triển.

Vâng! Xin cảm ơn bà về những chia sẻ đầy ý nghĩa này!

YẾN NHI