ISSN-2815-5823
Duy Khánh, Minh Thành, Phương Thúy, Sơn Hà
Thứ năm, 10h27 12/10/2023

Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng

Cover image
(KDPT) - Giới doanh nhân Việt Nam tự hào về những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế nước nhà ngày càng vững vàng - thịnh vượng - PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam.
Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng

"Giới doanh nhân Việt Nam tự hào về những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế nước nhà ngày càng vững vàng - thịnh vượng" - PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, Người chỉ đạo: Giới Công Thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công Thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước.

Đến nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Những thống kê đó đã khẳng định tầm vóc, sự chung sức, chung lòng của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước nhằm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng
Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng
Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng

- Thưa PGS.TS Đặng Văn Thanh, ông đánh giá thế nào về sức tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua, những khó khăn và thách thức chủ yếu và giải pháp tháo gỡ đã được Nhà nước thực hiện ra sao?

- PGS.TS Đặng Văn Thanh: Thời gian vừa qua, do tác động từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng, sự thu hẹp của nhiều thị trường truyền thống.

Tuy nhiên, có thể thấy, nền kinh tế đã và sẽ phục hồi nhanh nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và bản thân nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Với nhiều giải pháp đã được tích cực thực hiện, trong đó có giải pháp ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp... Kết quả đạt được về phát triển kinh tế – xã hội nước ta là khá tích cực. Có thể kể tới như, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023, nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực, với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng qua vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân đạt hơn 15,9 tỷ USD. Không khí rất sôi động và càng sôi động hơn khi trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, Brazil mới đây, Thủ tướng Phạm Minh chính tiếp hàng loạt tập đoàn lớn từ Apple, Google, Boeing, Siemens. Tất cả đều bày tỏ mối quan tâm lớn tới điểm đầu tư ở Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tự hào đã đóng góp đáng kể vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Các doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tham gia vào mức tăng 3,43% (đóng góp 9,16%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,27%), khu vực dịch vụ tăng 6,32% (đóng góp 68,57%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%.

Nhiều ngành xuất khẩu tỷ USD dần hồi phục, nếu thuận lợi, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt từ 5 - 5,2 tỷ USD. Trong đó sầu riêng có thể đạt 2 tỷ USD, thậm chí là 2,5 tỷ USD. Tương tự ngành dệt may, đồ gỗ, cũng đang hồi phục.Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, có thể có nhiều kịch bản cho tăng trưởng kinh tế quý IV và cả năm 2023. Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, nhiều thách thức. Hy vọng và tin tưởng, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao triển khai các giải pháp, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, tạo đà cho năm 2024 và năm 2025.

- Nhưng đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam rất kiên cường, có thể vượt qua mọi thách thức để thành công?

- Thực tế đã chứng minh đúng như vậy, Nhà nước đã và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng để thúc đẩy hoạt động kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển. Các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã "vượt nắng, thắng mua" trui rèn và tăng sức chống chịu, vượt lên sự đứt gãy của các chuỗi, sự cắt giảm các đơn hàng, các thị trường quen thuộc, dũng cảm mở ra các chuỗi hàng hóa, dịch vụ mới, các thị trường mới.

Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng
Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng
Trong ảnh: Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (hàng đầu, giữa) và PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch CLB Các nhà Công Thương Việt Nam cùng các doanh nhân hội viên CLB Các nhà Công Thương Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2017.

- Ngày 10/10 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của Nghị quyết này đối với giới doanh nhân Việt Nam?

Thật vui mừng, trước Ngày Doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây thực sự là món quà, là sự khích lệ lớn đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Nghị quyết ra đời với mục đích: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Nghị quyết đã nêu những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về nhận thức, về cơ chế, chính sách, về đạo đức, văn hóa kinh doanh...

Về quan điểm, Đảng luôn xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị quyết cũng khẳng định, cần xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Đâu là lối đi cho doanh nghiệp trong những tháng cuối năm để tạo động lực cho năm 2024 và các năm tiếp theo?

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Các doanh nghiệp cần chủ động xác định các phương án và phương thức kinh doanh phù hợp xu thế này và năng lực của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó đẩy mạnh tốc độ đầu tư công. Kế đến là thúc đẩy và tham gia tích cực phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đặc biệt cần có giải pháp tháo gỡ thực chất nút thắt thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp tham gia hoặc có liên quan. Tùy theo lĩnh vực kinh doanh và thị trường, từng doanh nghiệp cần tham gia và triển khai cùng Nhà nước các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, gắn kết mạnh mẽ giữa sản xuất và tiêu dùng trong nước, nhằm tạo trợ lực cho các ngành sản xuất, dịch vụ. Cuối năm cũng là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, kích cầu dịch vụ du lịch, cũng là dịp đẩy mạnh hoạt động xây dựng dân dụng và thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh. Doanh nghiệp cần khai thác triệt để, có hiệu quả thị trường quốc tế. Mở rộng thị trường mới, tận dụng hiệu quả các hiệp định Việt Nam đã ký kết. Tham gia và duy trì, phát triển các thị trường truyền thống. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cùng với có cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn với khả năng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng

- Nói tới doanh nhân là nói tới sự giàu mạnh của nền kinh tế sự giàu có của người dân. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có lời nhắn gửi và mong muốn gì với giới doanh nhân nước nhà?

Mỗi doanh nhân cần thấm nhuần quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để cùng nhau phấn đấu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2045 có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

2023 là năm có nhiều sự biến động về kinh tế, chính trị trên bình diện quốc tế. Các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, hoạt động sản xuất tăng trưởng chậm. Trong nước, doanh nghiệp còn chịu "dư chấn" do đại dịch Covid-19. Do đó, đã có những tác động gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sức chống chịu và thích ứng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã hóa giải các thách thức. Từ đó, nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Có thể kể tới như GDP cả nước quý sau luôn cao hơn quý trước. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về nền kinh tế nước ta trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn.

Với thế và lực tạo dựng được trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục bứt phá, tạo điều kiện đạt được chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra, Quốc hội giao phó. Đồng thời cũng tạo nền móng vững chắc cho các mục tiêu xa hơn như chiến lược phát triển 2025-2030...

Các nhà doanh nhân, doanh nghiệp cùng phát huy kết quả đạt được, đón nhận những "trợ lực" từ Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 41 vừa được ban hành nhằm bứt phá, vượt lên, tạo ra giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp và doanh nhân tạo ra giá trị mới, tạo ra của cải cho đất nước, cho xã hội. Đất nước cường thịnh rất cần đến đội ngũ doanh nhân đông đảo, mạnh mẽ và vượt qua thách thức, chấp nhận rủi ro, dấn thân vào hoạt động kinh doanh.

Rất mong các doanh nhân hãy phát huy truyền thống của các thế hệ doanh nhân tiền bối, nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, trước hết là làm giàu cho mình, sau đó là làm giàu cho đất nước, cho xã hội, đề cao trách nhiệm xã hội và trách nhiệm cộng đồng. Mong mỏi và hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm khu vực, thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Chúc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng Hội tụ - Làm giàu - Kiến quốc, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ trên con đường đi tới hùng cường, thịnh vượng của nước nhà.

- Xin cám ơn ông!

Doanh nhân Việt Nam tự hào với những đóng góp vì một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng

Thực hiện: DUY KHÁNH - ÁNH DƯƠNG

Đồ họa: KT

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024