ISSN-2815-5823
Khánh Hà
Thứ ba, 07h00 30/04/2024

Động lực từ Fintech

(KDPT) - Các chuyên gia tài chính cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của Fintech đang trở thành động lực của thị trường tài chính trong thời gian tới.

Do vậy, Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận tổng thể với Fintech một cách rộng rãi hơn.

Cách tiếp cận tổng thể

Không chỉ trên thế giới, sự phát triển Fintech ở Việt Nam rất nhanh, tiềm lực lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự phát triển này đang có cách tiếp cận và hiểu khác nhau. Nhiều người đang hiểu về Fintech theo nghĩa hẹp chỉ là các công ty Fintech nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì Fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS. Cấn Văn Lực cho biết, trên thế giới đang có 4 cách tiếp cận để quản lý Fintech và mỗi một cách đều có ưu và nhược điểm riêng cần được đánh giá và vận dụng cho phù hợp ở mỗi quốc gia. Các cách tiếp cận chính gồm Chờ đợi và quan sát, Thử nghiệm và học hỏi, Cơ chế thúc đẩy sáng tạo và Cải cách luật pháp. Với sự quan sát từ thị trường Fintech Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Fintech đang được quản lý theo cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thời gian gần đây Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chủ động hơn trong cách quản lý nhằm hỗ trợ các hoạt động fintech.

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Dự thảo mới nhất về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, 3 lĩnh vực được đưa vào thử nghiệm là Cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng và chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API). Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách đang được rất nhiều nước áp dụng và với việc đưa ra cơ chế này sẽ góp phần nhằm tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả ngành tài chính ngân hàng đồng thời hạn chế những rủi ro và hệ lụy phát sinh.

Cách tiếp cận fintech
Cách tiếp cận fintech "thử nghiệm và học hỏi" nên được Việt Nam áp dụng rộng rãi hơn, tổng thể hơn

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cách tiếp cận Fintech "thử nghiệm và học hỏi" nên được Việt Nam áp dụng rộng rãi hơn, tổng thể hơn trên toàn thị trường tài chính, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời ông cũng đề xuất sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng, để từ đó mở rộng hơn ra ở những lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm… Để có mô hình quản lý fintech phù hợp hơn thì cần xem xét việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý như một ủy ban quản lý.

Song song với đó là cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính cùng với năng lực quản lý rủi ro công nghệ thông tin, công nghệ số và an ninh mạng…

Khai thác sức mạnh từ Fintech

Nền kinh tế thế giới dự báo sẽ ổn định hoặc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và ở mức 2,4% trong năm 2024.
Nền kinh tế thế giới dự báo sẽ ổn định hoặc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và ở mức 2,4% trong năm 2024.

Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” cho thấy nền kinh tế thế giới dự báo sẽ ổn định hoặc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và ở mức 2,4% trong năm 2024. Tại Việt Nam, kịch bản cơ sở đưa ra dự báo cho tăng trưởng GDP trong năm 2024 có thể đạt từ 6-6,5%; lạm phát dự kiến tăng khoảng từ 3,4-3,8%, động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn so với năm ngoái. Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhưng thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2024 cũng phát triển tích cực hơn khi dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính sẽ cao hơn so với năm 2023.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số lượng các công ty fintech đã tăng lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty fintech tại Việt Nam thì có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng. Đánh giá của Tập đoàn Robocash (năm 2022), thị trường fintech Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh với mức độ cạnh tranh cao. Dự kiến thị trường fintech sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech (công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý), Suptech (công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin), Proptech (công nghệ bất động sản) cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển đạt khoảng 11 tỷ giao dịch vào cuối năm 2023 - mức tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng… Các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ quá trình chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như AI, Blockchain,... Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đa phần các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển các dịch vụ ứng dụng trên internet và điện thoại di động.

Trên thực tế thị trường fintech vẫn còn một số khó khăn nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới.
Trên thực tế thị trường fintech vẫn còn một số khó khăn nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới.

Trên thực tế, thị trường Fintech vẫn còn một số khó khăn nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, cùng với đó là quyết tâm từ Trung ương đến địa phương mà thị trường fintech có nhiều triển vọng trong những năm tới.

Thứ nhất, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực trẻ mới trong tương lai am hiểu về công nghệ mới hiện đại.

Thứ hai, công nghệ Blockchain, công nghệ bảo hiểm đang là một lĩnh vực được quan tâm nhiều và có nhiều cơ hội trong tương lai.

Thứ ba, mô hình ngân hàng số E-banking sẽ tiếp tục tăng trưởng lớn.

Thứ tư, nhu cầu tham gia thị trường Fintech của người dân ngày càng lớn.

Thứ năm, vẫn còn nhiều công nghệ Blockchain, P2P lending… hay những ngành chưa được khai thác hết như quản lý thanh khoản sẽ là cơ hội cho thị trường fintech nước ta trong những năm tới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024