ISSN-2815-5823

Sự bùng nổ của Fintech và bài toán pháp lý, bảo mật dữ liệu

Cover image
(KDPT) - Các chuyên gia cho rằng, bảo mật thông tin vẫn là một thách thức lớn đối với công nghệ tài chính tại Việt Nam. Do đó, cần có các giải pháp an ninh mạng hiệu quả để đảm bảo tính bảo mật và đáng tin cậy của các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Fintech tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh

Sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng 4.0 đã thẩm thấu vào Việt Nam và lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất.

Theo đó, ngày càng nhiều dịch vụ được tích hợp trên ứng dụng điện thoại thông minh, người dùng có thể thoải mái mua sắm, chi trả các hoá đơn, dịch vụ. Không dừng lại ở đó, với sự phát triển của Fintech, quá trình "số hoá" lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ ngày càng tăng tốc.

Fintech có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Fintech có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện cả nước có 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động và 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cho 51 tổ chức trung gian thanh toán.

So với năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,95% về số lượng; giao dịch qua kênh internet tăng 56,60% về số lượng và tăng 5,80% về giá trị. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 61,14% về số lượng và tăng 11,65% về giá trị. Đối với giao dịch qua phương thức QR code tăng 171,68% về số lượng và tăng 74,16% về giá trị. Còn giao dịch qua POS tăng 18,77% về số lượng và tăng 20,64% về giá trị...

Về lĩnh vực Fintech, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng (40 đơn vị cung ứng ví điện tử). Số lượng công ty Fintech đã tăng gấp 4 lần trong 6 năm, từ con số 39 ở năm 2015 lên 154 vào cuối 2021. Đáng chú ý, 70% công ty Fintech tại Việt Nam hiện nay là công ty khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Theo đánh giá của Tập đoàn Robocash (năm 2022), tốc độ tăng trưởng của thị trường Fintech Việt Nam nhanh thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore. Dự kiến thị trường Fintech tại Việt Nam sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai. Trong đó, Regtech được hiểu là ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính; Suptech là những ứng dụng công nghệ để hỗ trợ thực thi pháp lý cho các cơ quan quản lý, giám sát; Proptech là ứng dụng công nghệ vào bất động sản.

Vẫn băn khoăn khung pháp lý

Không riêng Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu thế tất yếu của ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới.

Theo khảo sát của Công ty kiểm toán quốc tế Pricewaterhouse Coopers (PwC), 68% ý kiến được hỏi cho rằng động lực chính thúc đẩy số hóa ngân hàng là cải thiện trải nghiệm của khách hàng; 56% ý kiến cho rằng cần tăng hiệu quả hoạt động của các bộ phận từ giao dịch khách hàng, trung gian, nghiệp vụ và giảm chi phí hoạt động; 41% mong muốn được tiếp cận với khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked).

Chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu thế tất của ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới.
Chuyển đổi số đã và đang trở thành một xu thế tất của ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới.

Có 75% ngân hàng được khảo sát cho biết họ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập và đạt được mức tăng trưởng doanh thu cao nhất thông qua số hóa.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, Chính phủ đang nỗ lực tạo môi trường phát triển thuận lợi cho công nghệ tài chính, tuy nhiên hiện nay cơ chế pháp lý đối với lĩnh vực này vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.

“Khung khổ pháp lý cho hoạt động Fintech ở Việt Nam đang dần được hình thành và cải thiện, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong hoạt động thanh toán, còn chưa đầy đủ với các hoạt động khác, ví dụ cho vay ngang hàng chẳng hạn”, ông Hà nêu.

Ngoài ra, ông Hà cũng cho hay, pháp lý đối với Fintech cũng chưa rõ về bản chất dịch vụ, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; chưa rõ về cơ chế quản lý, giảm sát cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành trong vấn đề này.

“Cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech chưa rõ ràng. Cơ quan chức năng xem Fintech như “cánh tay nối dài” của ngân hàng chứ chưa có sự độc lập trong hệ thống tài chính cũng là một khó khăn không nhỏ trong hoạt động của các công ty Fintech”, ông Hà nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Luật sư Hà cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ để tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực này, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng lẫn tính tuân thủ của các công ty Fintech. Thêm nữa, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn, mô hình hoạt động, điều kiện thành lập, hoạt động, địa vị pháp lý... của các doanh nghiệp Fintech.

Bảo mật thông tin vẫn là thách thức

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, đối với Fintech, cần chú trọng xây dựng và áp dụng các quy định về bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng cũng như cơ chế giám sát và quản lý đối với các hoạt động Fintech, trong đó cần nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn và năng lực của các cơ quan quản lý cũng như các biện pháp xử lý khi có vi phạm".

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc sớm có khung pháp lý cho Fintech là điều tốt, nhưng cần đặc biệt lưu ý vấn đề bảo mật, nhất là khi hệ thống bảo mật của Việt Nam vẫn bị đánh giá còn khá lỏng lẻo.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu

Chung nhận định, Ths. Phí Thị Thu Hương (Học viện Tài chính) nêu rằng, vẫn còn nhiều người dân Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ về công nghệ tài chính và cách sử dụng các dịch vụ tài chính trực tuyến. Điều này có thể làm giảm sự tin tưởng của họ đối với các dịch vụ này và gây khó khăn cho việc phát triển của Fintech tại Việt Nam.

Bà cho rằng, bảo mật thông tin và an ninh mạng vẫn là một thách thức lớn đối với công nghệ tài chính tại Việt Nam. Do đó, cần có các giải pháp bảo mật thông tin và an ninh mạng hiệu quả để đảm bảo tính bảo mật và đáng tin cậy của các dịch vụ tài chính trực tuyến.

Băn khoăn vấn đề bảo mật đối với lĩnh vực Fintech.
Băn khoăn vấn đề bảo mật đối với lĩnh vực Fintech.

Chuyên gia này đánh giá rủi ro an ninh mạng đang ở mức cao, trong khi nhận thức và giải pháp cho Fintech còn hạn chế. Dữ liệu về doanh nghiệp còn phân tán, khách hàng đối mặt với rủi ro về lộ lọt thông tin cá nhân, bị hack tài khoản, mất tiền, chưa kể nhiều công ty Fintech bị giả mạo khiến người dùng nhầm lẫn, bị lừa đảo. Thực tế mỗi năm diễn ra hàng trăm vụ người dùng bị lừa tiền vì các đối tượng giải mạo website của các ngân hàng, ví điện tử.../.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024