Lĩnh vực Fintech: Động lực của thị trường tài chính năm 2024
Trong báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” được xây dựng bởi 3 cơ quan bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đã chỉ ra các cơ hội phục hồi trong năm 2024. Trong đó, một điểm đáng chú ý là xu hướng bùng nổ của tài chính công nghệ (Fintech) và cách để nền kinh tế tận dụng thời cơ và hạn chế những mặt trái của Fintech.
Về bức tranh năm 2023, bối cảnh thế giới tăng chậm lại (ước tính đạt 2,6% từ mức 3% của năm 2022), lạm phát tuy giảm nhưng vẫn còn cao, sức cầu giảm sút đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng tại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, các cân đối được bảo đảm, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, tỷ giá tăng trong mức kiểm soát, lãi suất điều hành giảm 3 lần (tổng cộng 1,5%), lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm 2-3% so với thời điểm cuối năm 2022.
Cũng trong năm 2023, thị trường tài chính Việt Nam phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen. Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận như: Tín dụng tăng chậm trong 3 quý đầu năm, nhưng hồi phục mạnh trong quý IV/2023. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào.
Năm 2024, dự báo khu vực tài chính của Việt Nam sẽ tích cực hơn. Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy khả năng tăng trưởng. Mặc dù tỷ giá còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hần hạ nhiệt từ cuối quý II/2024.
Bên cạnh đó, cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và cả các năm tiếp theo được kỳ vọng sẽ dịch chuyển theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện tích cực.
Động lực từ Fintech trong năm 2024
Một trong các điểm sáng được các chuyên gia đề cập là động lực của thị trường tài chính năm 2024 và tương lai các năm tiếp theo là sự phát triển mạnh mẽ của fintech.
Có thể thấy, fintech trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ nhưng không đồng đều và có cách hiểu, cách tiếp cận và quản lý rất khác nhau. Hầu hết các cách hiểu hiện nay về fintech là theo nghĩa hẹp (các công ty fintech) thay vì hiểu theo nghĩa rộng (fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính).
Ngành fintech tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp và với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để có thể hỗ trợ fintech nói riêng và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính nói chung.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên áp dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng hơn, tổng thể hơn với fintech trên toàn thị trường tài chính chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý cũng nên được xem xét để có mô hình quản lý fintech phù hợp hơn với việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Bên cạnh các mặt tích cực mà fintech mang lại thì rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu,... cũng có xu hướng gia tăng và đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia vào thị trường này.
Theo đó, để quản lý lĩnh vực fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính đó là: Chờ đợi và quan sát; Thử nghiệm và học hỏi; Cơ chế thúc đẩy sáng tạo và Cải cách luật pháp. Mỗi cách tiếp cận đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để vận dụng phù hợp với mỗi quốc gia.
Dựa trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng, một số giải pháp khác có thể cần quan tâm như tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cân nhắc việc thành lập Hiệp hội Fintech Việt Nam, tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia bên cạnh năng lực quản lý rủi ro công nghệ, an toàn thông tin,...
Triển vọng của thị trường fintech Việt Nam
Tính đến tháng 11/2023, cả nước ghi nhận hơn 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và triển khai thanh toán qua Internet; 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động và 51 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động trên thị trường.
So với năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt tăng 49,95%, giao dịch qua kênh Internet tăng lần lượt 56,6% và 5,8% về số lượng và giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 61,14% về số lượng và 11,65% về giá trị, còn qua phương thức QR code tăng 171,68% về số lượng và về giá trị tăng 74,16%, qua POS có mức tăng 18,77% về số lượng và 20,64% về giá trị…
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ quá trình chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain),....
Đối với lĩnh vực fintech, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên hơn 154 công ty vào cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thêm, trong số các công ty fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Tập đoàn Robocash (năm 2022) đánh giá, thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 trong khu vực, sau Singapore và dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao.
Nhận định về quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính - Ngân hàng, ông Hùng cho rằng sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Đồng thời, xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó, Regtech là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý cho các định chế tài chính, Suptech là những ứng dụng công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý cho các cơ quan quản lý, giám sát. Trong khi đó, Proptech là ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản.
Ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, một trong những điểm đáng chú ý ở năm 2023 và đầu năm 2024 là có nhiều văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua các luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi,...) đồng thời, Quốc hội và Chính phủ cũng ban hành hàng loạt quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, thị trường tín dụng, chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI,...
Các quy định hỗ trợ kinh tế đi vào nề nếp, nhờ đó tăng trưởng kinh tế có nhiều khả quan trong bối cảnh sức cầu phục hồi các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa đồng đồng. Phản ứng chính sách hiện còn có độ trễ, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có nhiều triển vọng hơn nhờ chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tỷ giá tuy có biến động nhưng chủ yếu mang yếu tố tâm lý nên nhìn chung cung cầu ngoại tệ vẫn được đảm bảo, đây là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế vĩ mô.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, đa phần các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên nền internet và điện thoại di động./.
- TS. Cấn Văn Lực: Thị trường Fintech cần được thay đổi về cách tiếp cận
- Năm 2024, thị trường Fintech Việt Nam dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD
- Tương lai của ngành fintech tại thị trường Đông Nam Á ra sao?